Cách chăm sóc sen đá không phải ai cũng biết

Sen đá là một loài cây trang trí có sức sống rất mãnh liệt. Nhưng nếu bạn không hiểu đặc tính của nó thì việc chăm sóc sen đá sẽ trở nên khó khăn. Cứ mỗi lần cây chết, lòng người trồng lại cảm thấy chùn xuống đôi chút. Bạn có cảm thấy như vậy không? Chính vì điều này, hôm nay AVi Việt Nam sẽ dành thời gian chia sẻ những kiến thức về kỹ thuật chăm sóc sen đá mà không phải ai cũng biết để độc giả thân yêu của AVi luôn vui vẻ với việc chăm sóc loài cây cảnh này. Thực ra chăm sóc sen đá không khó khăn như bạn nghĩ đâu! Thử tìm hiểu tỉ mỉ và chăm sóc tiếp chậu cây mới xem, kết quả sẽ thay đổi bất ngờ đấy. Hãy nâng niu chăm sóc sen đá như chính cách mà bạn muốn chúng đối đãi với bạn!

Sen đá là một loài cây trang trí có sức sống rất mãnh liệt
Sen đá là một loài cây trang trí có sức sống rất mãnh liệt

Giới thiệu về cây sen đá

Sen đá là một loài cây mọng nước nên có khả năng chịu khô hạn tốt. Hiện nay, ở Việt Nam có khá nhiều loại sen đá khác nhau rất đẹp và mỗi loài lại có một ý nghĩa riêng.

Đây là một loài cây dễ trồng, dễ thích ứng với các điều kiện môi trường. Vì thế chúng  thường được chọn làm vật trang trí ở nhiều không gian khác nhau tại nhà, trong các quán cà phê, quán trà sữa, cửa hàng hoặc cả những văn phòng công ty.

Chính vì vậy mà việc nắm vững cách chăm sóc sen đá sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc làm cho không gian của bạn thêm sinh động.

Cách chăm sóc sen đá

Nếu hiểu đặc tính của sen đá thì việc chăm sóc chúng sẽ không mấy khó khăn đối với bạn. Điều kiện sống của cây xanh cần thiết phải hội tụ đủ các yếu tố về đất trồng, ánh sáng, nước, phân bón và cả vấn đề phòng bệnh hại cây. Đối với sen đá cũng vậy, khi chăm sóc chúng, bạn cũng cần quan tâm đến những yếu tố này. Chúng ta cùng tìm hiểu kỹ từng yếu tố nhé!

Đất trồng sen đá

Đây là yếu tố quan trọng nhất để quyết định tuổi thọ của cây sen đá nhà bạn tồn tại được bao lâu.

Sen đá sinh trưởng phát triển tốt trong môi trường đất dinh dưỡng nhưng quan trọng là có khả năng thoát nước tốt. Nếu không đảm bảo yêu cầu này thì cách chăm sóc sen đá của bạn có chu đáo, cẩn thận đến đâu cũng không thể giữ cây sen đá tươi khỏe lâu được.

Có nhiều cách trộn đất khác nhau từ xỉ than, phân bò, xơ dừa, tro trấu và đá perlite. Mình đã có bài hướng dẫn trộn đất trồng sen đá khá chi tiết mà mình đã học hỏi của những cửa hàng cây cảnh. Bạn hãy tìm đọc kỹ hơn nhé!

Đất trồng là một phần quyết định cách trồng sen đá của bạn có đúng hay không
Đất trồng là một phần quyết định cách trồng sen đá của bạn có đúng hay không

Chậu trồng

Chậu trồng sen đá khá đơn giản. Bạn cần lựa chọn loại chậu gốm sứ, chậu nhựa cũng được nhưng nhất thiết phải có lỗ thoát nước và đảm bảo khi cho đất vào chậu trồng thì lỗ thoát nước này vẫn hoạt động tốt.

Bạn nên định kỳ kiểm tra khả năng thoát nước của chậu, tránh hiện tượng tắt nghẽn gây úng nước, thối rễ và chết cây.

Nếu bắt buộc lựa chọn chậu thủy tinh để phù hợp với không gian nơi đặt chậu thì bạn cũng có cách chăm sóc sen đá phù hợp bằng việc cho vào chậu một lớp sỏi hoặc than hoạt tính xong rồi mới đến lớp đất. Nhiệm vụ của lớp này là hỗ trợ hút ẩm, hạn chế tối đa sự thối rễ của cây.

Ánh sáng

Ánh sáng là điều kiện cần phải có đối với quá trình sinh trưởng và phát triển của hầu hết các loại cây trồng. Cây sen đá cũng không ngoại lệ. Việc đầy đủ ánh sáng giúp cây lên màu đẹp hơn.

Khi trồng, bạn lưu ý đặt chậu cây sen đá nơi có nhiều ánh nắng đặc biệt là ánh nắng buổi sáng.

Đối với những cây sen đá được trồng ngoài trời, đừng đặt cây nơi có ánh nắng quá gắt. Tuy nhiên bạn cũng không nên đặt cây nơi có quá nhiều bóng râm dễ khiến thân và lá cây bị xốp, lá mọc thưa thớt và dễ rụng khỏi thân cây làm cho cách chăm sóc sen đá của bạn trở nên khó khăn.

Nếu bạn đặt chậu sen đá ở nơi thiếu sáng như trong phòng, trong quán,… thì nên lên lịch phơi nắng định kỳ cho cây khoảng 2 – 3 ngày 1 lần. Tốt nhất là nên cho cây “tắm nắng” buổi sáng tầm 4 – 6 tiếng đồng hồ.

Khi cho cây tắm nắng, bạn nên cho cây thích nghi từ từ với môi trường. Đừng đợi nắng lên đỉnh điểm giữa trưa mới mang cây từ môi trường mát mẻ ra đón ánh nắng cực gắt nhé! Bản thân con người mà làm như vậy cũng khá khó chịu, cây cỏ làm sao chịu nổi chứ? Tốt nhất là bạn di chuyển chậu cây ra ngoài vào buổi sáng khi còn mát mẻ, cây sẽ quen dần với sự thay đổi nhiệt độ và thích nghi tốt hơn.

Khi di chuyển cây vào trong mát cũng làm như vậy nhé! Hãy che chắn cho cây rồi chuyển dẫn vào nơi có bóng mát, sau đó mới đem hẳn vào phòng.

Đầy đủ ánh sáng giúp sen đá lên màu đẹp hơn.
Đầy đủ ánh sáng giúp sen đá lên màu đẹp hơn.

Nước

Do đặc tính tích nước sẵn ở thân và lá nên sen đá có khả năng chịu khô hạn tốt. Khi học cách chăm sóc sen đá, kỹ thuật tưới nước cũng là điều bạn cần phải quan tâm.

Cần cung cấp lượng nước vừa đủ cho quá trình sinh trưởng của cây. Có thể thiếu nhưng tuyệt đối không nên thừa. Mùa đông, lượng nước cho sen đá nên giảm so với mùa hè.

Dựa vào tình trạng lá cây bạn cũng có thể hiểu được đó là cây sen đá được tưới đủ nước hay không. Đối với những cây sen đá bị thiếu nước, chúng sẽ biểu hiện rất rõ qua sự nhăn nheo của lá, màu sắc nhợt nhạt, thiếu sức sống. Nếu thừa nước, rễ cây sẽ thối nhũn và lá rụng dần.

Bạn có thể dùng nước mưa để tưới cho sen đá để tận dụng nguồn khoáng chất sẵn có trong nước mưa giúp cây tươi tốt hơn. Nếu dùng nước máy cũng được nhưng bạn nên để nước sau 24 tiếng mới tưới cho cây thì tốt hơn vì chất clo trong nước đã được khử sạch.

Dựa vào điều kiện nhiệt độ, ánh sáng nơi đặt cây để cung cấp lượng nước phù hợp. Trường hợp cây thiếu nắng thì bạn không nên tưới nước lên lá cây dễ tạo môi trường cho nấm bệnh phát triển. Mỗi lần tưới nên cách nhau 2 – 5 ngày.

Bạn có nghĩ rằng tưới nước nghĩa là dùng nước tưới lên cây là xong hoặc nhẹ nhàng không làm cây tổn thương là đã đúng? Đối với cách chăm sóc sen đá, việc tưới nước có đặc biệt hơn đôi chút.

Các chuyên gia thường dùng phương pháp tưới thấm để cấp nước cho loài cây này (áp dụng cho việc trồng sen đá trong chậu có lỗ thoát nước). Hãy đặt chậu cây trong chậu nước sạch có kích thước lớn với mực nước bằng 1/3 chậu cây. Để yên như vậy sau 30 – 40 giây tùy kích thước chậu sen đá. Nước sẽ ngấm ngược qua lỗ thoát nước và cung cấp độ ẩm đủ cho cây khỏe mạnh cũng như phát triển tốt.

Với cách tưới này, bạn chỉ cần tiến hành mỗi tuần 1 lần là đủ. Đây được xem là cách tưới tối ưu nhất cho sen đá vì vừa cấp ẩm đầy đủ, vừa không ảnh hưởng đến phấn trên lá và cũng không đọng nước trên lá cây.

Phân bón

Sen đá không cần quá nhiều dinh dưỡng. Nhưng khi học cách chăm sóc sen đá bạn đừng bỏ qua việc bón phân cho cây nhé! Định kỳ mỗi tháng hoặc 2 tháng 1 lần, bạn tiến hành bổ sung phân hữu cơ, phân dê, hoặc hòa phân bón lá vào nước tưới định kỳ để cây phát triển tốt nhất.

Mỗi năm bạn nên làm đất mới và thay đất cho chậu sen đá để cây phát triển tốt hơn.

Hòa phân bón lá vào nước tưới định kỳ để cây phát triển tốt nhất
Hòa phân bón lá vào nước tưới định kỳ để cây phát triển tốt nhất

Phòng bệnh cho sen đá

Sen đá thường có xu hướng khỏe mạnh hơn vào mùa nắng ráo. Nhưng đến mùa mưa, độ ẩm không khí tăng, nấm mốc hoặc đốm lá là những bệnh thường xuất hiện.

Bạn chỉ cần ngắt bỏ những lá hư. Nhưng nếu nặng, bạn nên tiến hành xịt rửa lá cây cẩn thận để loại bỏ nấm mốc rồi sau đó phơi cây nơi có ánh nắng để thật khô nước và tiến hành thay đất chậu cây. Nên đặt cây nơi có ánh đèn huỳnh quang để hạn chế ẩm ướt.

Nếu sen đá bị nhện đỏ hay rệp sáp tấn công, bạn nên dùng thuốc xịt côn trùng xịt lên cây. Tuy nhiên, đối với những cây bị nặng, tốt nhất bạn cần dùng đến thuốc bảo vệ thực vật (tránh tiếp xúc nhiều với cây sau khi dùng thuốc để không ảnh hưởng sức khỏe nhé! Đừng chỉ vì muốn tìm cách chăm sóc sen đá mà để bản thân hay người thân của mình nhiễm bệnh đấy!)

Xử lý những biểu hiện xấu của cây sen đá bằng cách nào?

Trong quá trình chăm sóc sen đá, có thể bạn sẽ gặp những trường hợp sau đây, nên tham khảo để có hướng xử lý kịp thời:

  • Như đã đề cập ở trên, lá cây nhăn nheo, chuyển màu nhợt nhạt nghĩa là cây thiếu nước, bạn chỉ cần cung cấp nước đầy đủ và kịp thời là cây sẽ nhanh chóng căng bóng tràn đầy sức sống trở lại.
  • Trường hợp lá mềm nhũn, chuyển màu vàng nhạt, bóp nhẹ lá sẽ thấy có nước đục chảy ra hoặc nặng hơn là rụng lá. Đây là biểu hiện của sự úng nước và vi khuẩn sẽ xâm nhập nhanh chóng. Bạn kiểm tra và xử lý ngay để tránh lây lan. Phương pháp tối ưu nhất thường được lựa chọn là thay đất cho cây bằng cách nhẹ nhàng nhổ cây lên, cắt bỏ hoàn toàn những lá hư. Vệ sinh chậu trồng cũng như rễ cây, để khô nước rồi thay đất mới trồng lại cây và tiếp tục chăm sóc.
Chậu sen đá được chăm sóc đúng kỹ thuật
Chậu sen đá được chăm sóc đúng kỹ thuật

Với cách chăm sóc sen đá như trên, bạn đã hiểu hơn về loài cây đáng yêu này rồi đấy! Hãy đảm bảo những điều kiện cần thiết từ đất trồng, ánh sáng, nước, cả về phân bón cũng như những biện pháp phòng trừ sâu bệnh cho cây sen đá phát triển khỏe mạnh nhé! Hiểu được rồi thì việc chăm sóc chúng sẽ không còn khó khăn nữa đâu. Hãy thử một lần nữa và đón nhận những thành quả mình chăm được. Không gian nhà ở hay nơi làm việc của bạn sẽ đáng yêu hơn với những chậu sen đá khỏe mạnh tươi tốt đấy.

Chúc bạn thành công!

Bình luận về bài viết này
  • 15:17 26/06/2020 Nguyễn Thị Ly Na

    Bài viết rất hữu ích. Mình trồng không có tuổi thọ nên Sẽ áp dụng xem sao. Mong là sẽ thành công. Cảm ơn Avi




Bài khác cùng chuyên mục Sinh Vật Cảnh

Trồng cây phát tài như thế nào để chủ nhân luôn phát tài?

Trồng cây phát tài như thế nào để chủ nhân luôn phát tài?

Ngày đăng: 23-06-2020

Làm thế nào để cây phát tài phát huy hết tác dụng phong thủy? Trồng và chăm sóc chúng có khó không? Tuổi nào hợp nhất? Loài cây này có độc hay không? Tất cả sẽ được AVi giải đáp trong bài viết này nhé!

Cách trồng xương rồng đơn giản dễ nở hoa

Cách trồng xương rồng đơn giản dễ nở hoa

Ngày đăng: 18-06-2020

Xương rồng dễ sống nhưng mấy ai chăm được chúng nở hoa? Bạn cũng muốn biết cách trồng xương rồng để nó nhanh nở hoa đúng không AVi Việt Nam sẽ cung cấp cho bạn những kỹ thuật cần thiết.

Cách trồng cây lưỡi hổ lọc khí trừ tà

Cách trồng cây lưỡi hổ lọc khí trừ tà

Ngày đăng: 17-06-2020

Hãy cùng AVi Việt Nam học ngay cách trồng cây lưỡi hổ để trang trí không gian, lọc khí độc từ môi trường kể cả những khí độc gây ung thư. Ngoài ra điều này còn giúp bạn xua đuổi vận xui, đón vận may và tài lộc.

Ẩn