Nghệ là một loại củ được dùng thường xuyên trong việc chế biến món ăn. Nhờ củ nghệ mà món ăn thêm màu sắc hấp dẫn. Ngoài ra, người ta còn học cách trồng nghệ để thu tinh bột giúp chữa dạ dày và nhiều loại bệnh khác. Với bài viết này, AVi Việt Nam sẽ hướng dẫn bạn cách trồng cũng như chăm sóc nghệ sao cho ít sâu bệnh và đem lại năng suất cao nhất. Cùng tìm hiểu nhé!
Đặc điểm của cây nghệ
Nghệ có đặc tính thân nhỏ hình trụ với chiều cao từ 0,6 – 1m. Cây tạo nhánh cao. Rễ nghệ phát triển thành củ và có màu vàng tươi cùng mùi thơm
Lá chúng mọc xen kẽ nhau và đối xứng nhau qua thân. Phiến lá có hình elip, bản to, kích thước chiều dài từ 70 – 100cm, chiều rộng từ 38 – 40cm. Phần đầu lá thuôn nhọn.
Hoa mọc theo cụm với hình nón từ các nách lá. Quả nang với 3 ngăn bên trong chứa nhiều hạt. Bên ngoài hạt có vỏ.
Bạn có thể trồng nghệ quanh năm. Nhưng nếu muốn cách trồng nghệ cho năng suất cao nhất, hạn chế sự tấn công của sâu bệnh hại, bạn nên lưu ý vấn đề thòi tiết khu vực gieo trồng.
Nghệ ưa khí hậu ôn hòa, ưa nước nên thường phù hợp với mùa mưa và những nơi đất giữ ẩm tốt. Nếu ở miền Bắc, bạn có thể trồng nghệ vào khoảng tháng 2 đến tháng 4 hoặc tháng 11, tháng 12. Nếu bạn ở miền Nam, độ ẩm cao hơn nên bạn có thể trồng vào mùa mưa để cây sinh trưởng tốt.
Cách trồng nghệ
Chuẩn bị đất và dụng cụ trồng
Vì là cây lấy củ, thân ngầm nên yêu cầu đầu tiên là đất trồng phải tơi xốp, thoáng khí và thoát nước tốt. Do đó:
- Nếu trồng ngoài đất: bạn cần lên luống cao từ 20 – 25cm, phần rãnh rộng để thoát nước tốt. Trước khi trồng bạn cần cày bừa đất thật kỹ để đất min, không vón cục. Sau đó bón phân chuồng, phân lân vào đất để cung cấp dinh dưỡng.
- Nếu bạn tiến hành cách trồng nghệ trong chậu thì đầu tiên chậu trồng phải đảm bảo không đọng nước để không làm thối củ, thối rễ cây.
Chuẩn bị giống nghệ
Do nghệ sinh sản vô tính nên khi trồng bạn cần củ giống. Từ những củ giống sẽ mọc mầm, lên thân giả và ra lá ra hoa. Vòng đời của củ nghệ cứ thế mà sinh trưởng lặp đi lặp lại.
Để chọn giống củ nghệ tốt, bạn nên lựa những củ đã qua cả 2 giai đoạn trong quá trình sinh trưởng nói trên là mọc ra củ to rồi hoa lá lụi tàn.
Ngoài ra, củ nghệ giống phải chắc khỏe, ở giữa thời kỳ sinh trưởng, không có vết cắt, không bị nứt và đặc biệt là không chứa mầm bệnh, không có biểu hiện thối củ.
Sau khi đã có củ nghệ giống tiêu chuẩn, bạn đã hoàn thành bước đầu tiên. Hãy để củ giống ở điều kiện nhiệt độ bình thường để củ nảy mầm rồi đem ủ trong cát ẩm để những mầm này tách nhánh.
Tiến hành trồng nghệ
Cách trồng nghệ khá đơn giản. Bạn chỉ cần san bằng mặt đất, đào hốc sâu từ 20 – 25cm rồi đặt khúc nghệ giống vào. Sau đó phủ lên trên một lớp đất mỏng rồi phủ tiếp một lớp rơm rạ để hỗ trợ giữ ẩm.
Bạn nên trồng cây này cách cây kia từ 20 – 25cm, mỗi hàng cách nhau 30 – 35cm.
Tưới nước nhẹ nhàng để cây đủ ẩm.
Sau khoảng 1 tuần bạn sẽ thấy những mầm nghệ nhú lên khỏi lớp rơm rạ. Hãy giữ nguyên, không cần gỡ bỏ chúng vì nghệ phát triển rất mạnh mẽ.
Việc bạn cần làm lúc này là theo dõi thường xuyên để phát hiện và xử lý kịp thời những mầm bị hỏng, thối. Loại bỏ hoặc thay thế ngay để tránh ảnh hưởng những cây khác.
Kỹ thuật chăm sóc cây nghệ
Để cây phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh và cho năng suất cao, ngoài việc đảm bảo cách trồng nghệ đúng kỹ thuật bạn cần chăm sóc cây cẩn thận. Theo đó, bạn cần lưu ý những yếu tố sau:
Tưới nước
Nghệ ưa nước nên bạn cần tưới thường xuyên để giữ đất luôn ẩm suốt quá trình sinh trưởng của cây. Nhưng cũng đừng nên tưới quá nhiều dễ gây ngập úng thối rễ thối củ nhé!
Trường hợp trời mưa to, bạn cần lưu ý đến việc thoát nước kịp thời cho cây. Không để cây ngâm nước quá lâu.
Bón phân cho nghệ
Nhu cầu phân bón khi trồng nghệ rất cao. Phân bón sẽ bổ sung dưỡng chất cần thiết cho cây đồng thời tăng độ tơi xốp trong đất giúp củ phát triển tốt. Nếu đất không đảm bảo thông thoáng củ sẽ còi cọc, chậm lớn.
Nên dùng phân hữu cơ, phân trùn quế, phân chuồng, phân gà,… thay cho phân hóa học.
Bạn bón phân lúc nghệ đã được 2 – 3 lá thật. Cứ 20 ngày bạn lại bón thúc tiếp cho cây để chúng đủ dưỡng chất.
Làm cỏ
Cỏ dại sẽ hút đi dưỡng chất trong đất, cạnh tranh sự sống với nghệ. Vì thế, bạn nên diệt sạch cỏ dại ngay khi chúng xuất hiện.
Quá trình làm cỏ, bạn có thể dùng tay, dùng dao hoặc cuốc nhưng tuyệt đối không làm ảnh hưởng đến thân, gốc và rễ cây.
Vun gốc
Đây là việc cần thiết để cách trồng nghệ đem lại năng suất cao. Việc vun gốc nghệ sẽ giúp lớp đất mặt thông thoáng, củ phát triển dễ dàng và đặc biệt là hạn chế được sâu bệnh.
Việc vun gốc có thể kết hợp với làm cỏ và thực hiện khi cây được 1 tuần tuổi. Sau 20 ngày lại tiếp tục vun gốc. Những đợt tiếp theo cách đợt trước khoảng 30 ngày.
Thao tác của bạn cũng thật nhẹ nhàng và cẩn thận để không làm ảnh hưởng xấu đến củ.
Thu hoạch, bảo quản củ nghệ
Thời điểm thu hoạch thích hợp là khi cây nghệ không còn ra lá non, lá già bắt đầu khô mép và ngả màu vàng nhạt. Bạn có thể đào thử vài gốc, nếu có củ da bóng, đầu củ màu vàng sẫm nghĩa là đã đạt chuẩn thu hoạch.
Nếu bạn áp dụng đúng cách trồng nghệ như hướng dẫn bên trên thì thời gian thu hoạch như sau:
- Ở miền Nam thường thu vào đầu tháng 11 – 12.
- Ở miền Bắc thu hoạch rải rác từ tháng 10 cho đến tháng 3 năm kế tiếp.
Bạn có thể dùng cuốc để thu hoạch nếu trồng với diện tích nhỏ. Đối với những diện tích lớn thì nên dùng máy cày cày bật gốc lên để rút ngắn thời gian thu hoạch.
Sau khi thu hoạch, bạn bỏ thân, lá nghệ đi. Bảo quản chúng ở nơi khô ráo, thoáng mát để bảo quản được lâu. Có thể lựa những củ tốt nhất để riêng làm giống còn lại đem sử dụng hoặc bán.
Như vậy, cách trồng nghệ khá đơn giản. Chỉ với những bước trên đây bạn đã có thể tự trồng được vườn nghệ tốt tươi năng suất cao rồi đấy. Nếu không, bạn có thể áp dụng cách trên với diện tích nhỏ trong thùng xốp để cả nhà có củ nghệ siêu sạch dùng tại nhà. Nghệ là loại củ nhiều công dụng nên bạn đừng ngại trồng chúng nhé!
Chúc bạn thành công!