Xương rồng là một loại cây trang trí tuyệt đẹp cho không gian sống. Nhiều người yêu thích loài cây này và muốn tự mình chăm sóc những chậu xương rồng xinh xắn điểm tô cho ngôi nhà thân yêu của mình nhưng chưa biết cách trồng xương rồng có khó không. AVi Việt Nam sẽ cùng bạn đi tìm câu trả lời nhé! Bằng bài viết này, AVi sẽ hướng dẫn cách trồng cũng như chăm sóc để cây xương rồng phát triển khỏe mạnh, sớm ra hoa và đẻ nhiều cây con.
Đặc tính của cây xương rồng
Xương rồng là loại cây trồng dễ chăm sóc và có sức sống mãnh liệt. Tuy nhiên bạn phải hiểu được chúng thì mới có cách trồng xương rồng cũng như cách chăm sóc đơn giản được. Bằng không, bạn sẽ mãi vòng lặp “trồng rồi chết, trồng rồi chết”, không bao giờ nhìn thấy cây xương rồng của mình nở hoa như của người ta.
Xương rồng có khá nhiều loại. Riêng ở Việt Nam có khoảng trên 100 loài với nhiều kích thước và hình dạng khác nhau.
Đây là loài cây mọng nước nên ưa sống trên đất khô, không chịu được ngập úng. Chính vì điều này mà xương rồng không có lá mà thay vào đó là những gai nhọn quanh thân cây.
Đối với những cây xương rồng không được chăm sóc tốt, cây không phát triển hoàn chỉnh thì khả năng ra hoa của nó cũng bị hạn chế. Nếu bạn chăm sóc đúng cách, cây sẽ ra hoa rất đẹp.
Chuẩn bị
Đất trồng xương rồng
Xương rồng ưa sống trên loại đất tơi xốp, thoáng khí, có khả năng thoát nước tốt và đầy đủ dinh dưỡng.
Trước khi trồng cây xương rồng, bạn nên trộn đất với phân hữu cơ, tro trấu, phân NPK và đặc biệt cần cát sỏi hoặc xỉ than để đất có độ thông thoáng.
Bạn có thể chuẩn bị đất trồng xương rồng theo hướng dẫn cách làm đất trồng sen đá mà AVi đã có bài hướng dẫn riêng nhé! Vì 2 loài cây này có điều kiện sống khá giống nhau.
Chậu trồng
Để trồng xương rồng trang trí, bạn hãy chuẩn bị chậu sứ hoặc chậu gỗ có khả năng thoát nước tốt để cây không bị ngập úng nhé! Tùy theo kích thước và số lượng cây mà bạn lựa chọn chậu phù hợp.
Giống xương rồng
Hiện nay các cửa hàng hạt giống có cung cấpkhá nhiều loại hạt giống xương rồng đã qua xử lý mầm bệnh và tỷ lệ nảy mầm cao. Bạn chỉ cần lựa chọn nơi uy tín để mua là được.
Ngoài cách trồng cây xương rồng bằng hạt giống, bạn còn có thể nhân giống xương rồng từ thân cây mẹ. AVi sẽ hướng dẫn bạn cả 2 cách để tùy điều kiện mà bạn có sự lựa chọn phù hợp.
Cách trồng xương rồng từ hạt giống
Gieo hạt
- Bước 1: Sau khi đã chuẩn bị đất, bạn cho đất vào một khay để gieo hạt. Tưới nước hơi ẩm đất.
- Bước 2: Bạn rải đều hạt giống lên khay đất, phủ 1 lớp đất thật mỏng lên trên hạt. Sau đó dùng màng bọc thực phẩm che kín khay gieo.
- Bước 3: Đặt khay gieo ở nơi thoáng mát và có nhiều ánh sáng mặt trời nhưng không bị nắng gắt.
- Bước 4: Khi những hạt giống mọc lên những chiếc gai bé xíu, bạn hãy tháo lớp màn bọc thực phẩm ra. Bắt đầu tưới nước để cấp ẩm cho cây con phát triển.
Hạt giống xương rồng có thời gian nảy mầm khá lâu, thông thường mất 1 tháng hạt mới nhú mầm. Bạn đừng vì thiếu kiên nhẫn mà đem bỏ khay gieo nhé!
Cách trồng cây xương rồng vào chậu
Khi cây con phát triển khỏe mạnh, bạn hãy bứng cây con cho vào chậu trồng riêng.
Bỏ đất đã trộn vào chậu, cho cây vào và tiếp tục lấp đất cố định cây.
Sau khi trồng, bạn tưới nước để nén đất cho cây đứng vững.
Bạn phải để ý khả năng thoát nước của chậu cũng như của đất để tránh làm chết cây.
Trong 1 tháng kể từ ngày trồng cây xương rồng con vào chậu, bạn đừng vội đem cây ra nắng. Hãy đặt cây nơi thoáng mát và có ánh nắng nhẹ. Nếu không thì mỗi ngày bạn chỉ cần cho cây tắm nắng 1 – 2 giờ đồng hồ trong khoảng từ 7 – 9h sáng.
Khi cây đã bén rễ vào đất mới và phát triển ổn định, bạn mới có thể tăng thời gian cho cây phơi nắng.
Cách trồng xương rồng bằng thân
Đây là cách dễ dàng, nhanh chóng hơn và đặc biệt nó được nhiều người chưa có kinh nghiệm lựa chọn. Các bước tiến hành trình tự như sau:
- Bước 1: Chọn cây xương rồng giống, dùng dao thật bén cắt dứt khoác một đoạn nhánh của cây giống.
- Bước 2: Đừng vội trồng ngay phần thân này xuống đất. Bạn hãy đặt nhánh xương rồng ở nơi khô ráo, thoáng mát tầm 10 ngày cho khô vết cắt rồi mới đem đi trồng xuống đất.
- Bước 3: Một thời gian sau, ngay chỗ vết cắt sẽ mọc những rễ con. Lúc này bạn đã có một cây xương rồng con khỏe mạnh.
Nhân giống xương rồng tai thỏ bằng thân
Kỹ thuật chăm sóc cây xương rồng
Xương rồng dễ sống nhưng để biết cách trồng xương rồng nhanh nở hoa thì không phải dễ dàng. Bạn cần nắm những kỹ thuật cần thiết sau đây:
Tưới nước
Cây xương rồng không cần nhiều nước nên bạn chỉ cần tưới nước cho cây cách ngày hoặc 3 ngày 1 lần vào buổi chiều mát. Tuy không ưa nhiều nước nhưng nếu quá khan nước, cây sẽ kém phát triển, sức đề kháng kém, dễ nhiễm bệnh và tất nhiên mất luôn khả năng ra hoa.
Khi tưới xương rồng, bạn có thể tưới thấm bằng cách nhúng chậu xương rồng vào chậu nước cho nước ngấm vào đất rồi mang ra để ráo.
Nếu bạn trồng xương rồng trong những chậu nhỏ thì cần tưới nước nhiều lần hơn so với chậu lớn. Đừng để đất trong chậu quá khô.
Điều kiện môi trường sống
Xương rồng là loại cây ưa sáng. Mỗi ngày cây xương rồng trưởng thành cần ánh sáng trực tiếp ít nhất là 6 tiếng đồng hồ. Nắng buổi sáng tốt hơn nắng buổi chiều cho cả người và các loài sinh vật sống nên bạn hãy cho cây tắm nắng sáng nhé.
Bạn đừng nên chọn cách trồng cây xương rồng trong nhà quá lâu rồi đem ra phơi nắng quá thời gian cho phép dễ bị hiện tượng nám thân cây. Cứ vài ngày bạn lại đem cây ra tắm nắng 1 lần.
Nên cân đối thời gian tắm nắng cho cây để cây phát triển khỏe mạnh.
Ngoài ra, bạn nên đặt cây ở nơi thông thoáng, tránh bí gió khiến cây còi cọc, kém phát triển.
Mức chịu nhiệt của cây khá lớn, xương rồng có khả năng sống khỏe mạnh trên các hoang mạc, sa mạc, ngưỡng nhiệt của cây xương rồng ở khoảng từ 10 – 50 độ C. Tuy vậy, để cây phát triển ổn định nhất, nhiệt độ môi trường sống nên ở mức từ 15 – 28 độ C.
Bón phân cho xương rồng
Để cây khỏe mạnh, nhanh nở hoa thì đất trồng phải đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, bạn hãy cung cấp dưỡng chất cho cây bằng việc bón phân.
Tùy thời kỳ phát triển của cây mà bạn cung cấp loại phân phù hợp. Cụ thể như sau:
- Để cây mọng nước, căng bóng đẹp cần đủ đạm.
- Để cây nhanh ra hoa cần chất Potassium.
- Để nuôi bộ rễ xương rồng, cần chất Phosphorus.
Theo đó, các thời kỳ bón phân cho cây như sau:
- Khi cây còn nhỏ, bạn dùng phân NPK 16-16-8 hoặc 20-20-20 bón cho cây.
- Trong giai đoạn cây phát triển, bạn bón NPK 18-19-30 hay 20-30-30
- Khi cây ra hoa, bạn bón NPK 6-3-3 hoặc 10-60-10.
Khi bón phân, bạn nên hòa tan phân bón vào nước và tưới cho cây theo tỷ lệ: 1 – 1,5 gam phân hòa chung 1 lít nước. Cứ 10 – 15 ngày bạn tưới phân cho cây 1 lần để cây khỏe mạnh, cho hoa sớm.
Kỹ thuật tháp ghép xương rồng
Nhiều khi bạn thấy những cây xương rồng khác loại được ghép chung trên 1 thân mà chúng vẫn khỏe mạnh đúng không? Người ta đã sử dụng cách trồng cây xương rồng bằng tháp ghép đấy. Bạn có muốn thực hiện việc này? Rất đơn giản, bạn chỉ cần thực hiện các bước như sau:
- Bước 1: Chọn những cây khỏe mạnh. Cây làm thân chính thường là nhưng cây có kích thước lớn hơn cây còn lại.
- Bước 2: Dùng dao thật bén cắt xéo gốc ghép hoặc có thể cắt hình chữ V hoặc cắt bằng cũng được nhưng khó cố định mối ghép.
- Bước 3: Cắt cành ghép tương ứng như vết cắt gốc rồi ráp 2 phần lại với nhau. Ráp nhanh chóng ngay khi cả 2 phần còn ướt nhựa nhé! Sau đó bạn dùng chỉ buộc chặt để cố định vết nối không chênh nhau. Một thời gian sau chúng sẽ dính liền với nhau và cùng phát triển như một cây mới. Lúc này bạn cắt bỏ phần chỉ đi nhé!
Với cách ghép tháp này, bạn sẽ dễ dàng tạo ra cây mới lạ theo sở thích cá nhân.
Đến đây bạn đã tự trả lời được câu hỏi trồng và chăm sóc xương rồng có khó không rồi đúng không? Bạn chỉ cần nắm những nguyên tắc về đặc điểm cây cũng như điều kiện sinh trưởng phát triển phù hợp là sẽ tự mình có cách trồng xương rồng dễ dàng, đơn giản, cây nhanh ra hoa và giúp bạn trang trí không gian tuyệt đẹp rồi. Hãy thử mua hạt giống xương rồng về tự gieo hạt nảy mầm rồi chăm sóc xem nhé! Cuộc sống của bạn sẽ trở nên thú vị hơn đấy!
Chúc bạn thành công!