Bạn từng suy nghĩ sẽ tự trồng cà tím tại nhà vì mua ở chợ khiến bạn rất bất an. Nhưng bạn lại lo ngại rằng cách trồng cà tím sẽ khó khăn đối với bạn. Không sao cả, AVi Việt Nam sẽ cùng bạn tìm hiểu cách trồng và chăm sóc để cây cà tím cho nhiều quả nhất có thể. Cà tím là loại quả khá quen thuộc đối với người Việt Nam. Ngoài việc sử dụng để chế biến các món ăn thì người ta còn xem đây là một loại “thần dược” cho sức khỏe. Tại sao bạn không thử trồng nó chứ? Với phương châm “nông nghiệp sạch cho cuộc sống xanh” Avi muốn hướng dẫn bạn cách trồng tất cả những loại rau, củ quả có thể trồng tại nhà để những độc giả của mình không còn phải băn khoăn đến vấn đề thực phẩm bẩn nữa. Từ đó, cuộc sống của chúng ta sẽ tốt đẹp hơn mỗi ngày. Hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu về cây cà tím nhé!
Đặc tính và công dụng của cây cà tím
Trước khi học cách trồng cà tím, bạn nên hiểu rõ đặc tính và công dụng của nó.
Cà tím (hay còn gọi là cà dái dê) là một loai cây trồng ưa sáng ưa thời tiết nóng. Trừ những vùng quanh năm mát mẻ như Đà Lạt thì cà tím có thể được trồng vào tất cả các tháng trong năm. Nếu bạn ở Đà Lạt, hãy trồng cà tím từ tháng 3 cho đến tháng 10 hàng năm là tốt nhất.
Như đã nói ở trên, ngoài việc sử dụng trong việc chế biến các món ăn từ ăn sống, xào hay nướng,… thì cà tím còn là một loại thần dược cho sức khỏe. Dùng cà tím thường xuyên giúp bạn: giảm nguy cơ các bệnh về tim mạch. Nhờ hàm lượng cali và vitamin C cũng như vitamin B6 cao mà quả cà tím có chức năng chống oxy hóa, ngăn ngừa ung thư, hỗ trợ giảm cân, giảm nguy cơ tiểu đường và đặc biệt còn giúp tăng cường chức năng tuần hoàn não, cải thiện trí nhớ.
Chính vì những công dụng tuyệt vời như vậy mà nhiều người yêu thích loại quả này. Tuy nhiên, để tận dụng hết nguồn dinh dưỡng từ quả cà tím, bạn không nên bỏ vỏ khi chế biến món ăn nhé! Ngoài ra, khi nấu bạn hạn chế nấu cà tím ở nhiệt độ cao gây mất dưỡng chất. Hãy cho ít gừng vào khi chế biến món ăn với cà tím để giảm tính hàn của quả.
Lưu ý rằng người bị huyết áp thấp và tiêu chảy thì hạn chế dùng cà tím nhé!
Chuẩn bị
Đất và dụng cụ trồng
Cà tím phát triển mạnh mẽ và cho quả nhiều nhất ở môi trường đất giàu dinh dưỡng, tơi xốp và có khả năng thoát nước tốt. Bạn có thể dùng đất cát pha hoặc đất thịt nhẹ. Dùng đất tribat cũng là một gợi ý không tồi.
Trước khi trồng, bạn nên dùng phân hữu cơ, phân trùn quế, xơ dừa, tro trấu trộn với đất để tăng dinh dưỡng và tính tơi xốp cho đất. Bạn cũng có thể dùng Trichoderma để xử lý đất giúp tiêu diệt mầm bệnh.
Dụng cụ trồng cây cà tím có thể là thùng xốp, chậu cây, thậm chí bạn có thể dùng bao xi măng cũ. Tuy nhiên bạn nên đảm bảo chiều cao tối thiểu của dụng cụ trồng phải đạt 50cm, chiều rộng tối thiểu tầm 40cm để cây phát triển khỏe mạnh nhé!
Hạt giống cà tím
Là một trong những giống cây trồng dễ bị bệnh nhất nên để an toàn bạn hãy mua hạt giống cà tím tại các cửa hàng hạt giống chất lượng. Những hạt giống đóng gói này đã được xử lý mầm bệnh lại có tỷ lệ nảy mầm cao.
Cách trồng cà tím
Bạn tiến hành những bước sau đây:
- Bạn hãy ngâm hạt giống trong nước thường từ 24 – 30 giờ đồng hồ. Sau đó ngâm hạt giống vào nước ấm 50 độ C khoảng 1 tiếng rồi đem ủ hạt trong khăn ấm cho nứt vỏ ra rồi gieo trồng. Việc này sẽ giúp cho cách trồng cà tím của bạn nhanh hơn và hạn chế tối đa mầm bệnh hại cây sau này.
- Chuẩn bị bầu ươm hoặc viên nén ươm hạt. Ươm mỗi bầu 2 – 3 hạt rồi lấp đất lại.
- Đặt bầu ươm vào nơi thoáng mát, tưới nước bằng vòi phun sương nhẹ nhàng mỗi ngày 2 lần vào buổi sáng và chiều mát cho đến khi hạt giống nảy mầm.
- Khi cây cà tím được 5 – 6 lá thật bạn nhẹ nhàng trồng bầu ươm vào chậu hoặc thùng đã chuẩn bị. Nếu dùng bầu ươm bằng túi nilong, bạn nhớ xé bỏ túi nhé.
- 1 tuần đầu tiên khi trồng cây vào chậu, bạn hãy che phủ cẩn thận để cây quen dần với môi trường mới.
Kỹ thuật chăm sóc cây cà tím
Sau khi trồng 7 – 10 ngày, bạn dỡ bỏ lớp che phủ cây, đem cây ra ánh sáng mặt trời. Mỗi ngày, cây cần thời gian chiếu sáng trực tiếp tầm 4 – 6 giờ đồng hồ. Nhưng tránh nắng quá gắt nhé!
Trồng cây vào chậu được 1 tuần, bạn pha dung dịch trùn quế và tưới cho cây để tăng cường dinh dưỡng.
Cây cà tím ưa nước nên bạn cần đảm bảo tưới nước đều đặn mỗi ngày. Đặc biệt là khi cây ra hoa kết trái, không để đất trong chậu bị khô làm giảm năng suất và chất lượng trái. Nếu bạn bận rộn công việc thường quên tưới cây thì bạn hãy thiết kế vòi phun sương hoặc nhỏ giọt để cấp ẩm cho cây tốt nhất.
Để cách trồng cà tím cho năng suất cao, bạn đừng quên tỉa bỏ những chiếc lá già dưới gốc để giữ thông thoáng cho gốc cây.
Khi cây cà đơm hoa, bạn dùng phân Kali để bón thúc cho hoa đậu quả, không rụng quả.
Ngoài ra, bạn nên thường xuyên xới xáo đất để đất không đóng váng gây bí đất, rễ cây bị kìm hãm khiến cây chậm phát triển.
Phòng trừ sâu bệnh ở cây cà tím
Với cách trồng cà tím tại nhà, bạn hạn chế dùng sản phẩm hóa học để diệt sâu bệnh. Tuy nhiên đây là giống dễ nhiễm bệnh hại. Do đó, trong quá trình chăm sóc bạn hãy thường xuyên quan tâm bắt sâu, vạch bên dưới lá kiểm tra xem có bị côn trùng tấn công không để tiêu diệt chúng ngay (trứng của sâu đục quả và rầy mềm hay tập trung dưới mép lá).
Nếu cây cà nhà bạn nhiễm bệnh, ngay khi mới xuất hiện chúng, bạn hãy dùng nước pha với gừng, tỏi và ớt để phun lên cây.
Nhiều nông dân hay dùng cách trồng cà tím gần cây hoa vạn thọ để hạn chế sâu bệnh cho cây cà. Bạn có thể làm thử nhé!
Thu hoạch
Sau thời gian tiến hành cách trồng cà tím khoảng 2 tháng là bạn có thể thu hoạch dần những quả lớn trước rồi đấy.
Cây sẽ tiếp tục ra hoa kết trái liên tục trong khoảng 8 tháng nếu bạn đảm bảo kỹ thuật chăm sóc.
Khi thu hoạch, bạn nên lựa chọn những quả có lớp vỏ căng bóng. Tránh để quả già làm mất sức nuôi quả của cây mà chất lượng quả cũng giảm sút, dùng cũng không còn ngon.
Trên đây là tất cả những kỹ thuật cần thiết để trồng và chăm sóc được những cây cà tím tại nhà. Bạn hãy áp dụng cách trồng cà tím này để vườn rau nhà bạn có thêm 1 giống cây trồng mới nhé! Hy vọng những thông tin này hữu ích với bạn. Hãy bỏ chút thời gian rảnh của mình để có một vườn rau tươi ngon ngay tại nhà nhé!
Chúc bạn luôn mạnh khỏe và thành công!