Khổ qua là loại quả phổ biến lại khá dễ trồng. Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc rằng nhà phố thì có trồng khổ qua được không? Tất nhiên là được nhé! Chỉ cần bạn có công và không gian trồng, AVi Việt Nam sẽ hướng dẫn bạn cách trồng khổ qua đơn giản nhất để bạn bỏ ít công sức mà vẫn thu hoạch đều đều. Với bài viết này, bạn sẽ được trang bị đầy đủ những kiến thức từ chuẩn bị, gieo trồng, chăm sóc và cả cách phòng trị sâu bệnh cho cây khổ qua đấy. Đây không phải là loại quả mà ai cũng ăn được nhưng nó rất tốt cho sức khỏe. Hãy cùng đọc bài viết này và tiến hành lên kế hoạch trồng ngay 1 giàn khổ qua cho cả nhà dùng nhé!
Với vị đăng đắng đặc trưng, khổ qua còn có tên gọi là mướp đắng. Là một loại cây dây leo, ưa nắng và chịu mưa tốt. Thời điểm thích hợp nhất để gieo trồng là tháng 7 và tháng 8 dương lịch.
Chuẩn bị
Đất trồng
Việc chọn đất trồng cây rất quan trọng bởi nó là nơi cung cấp dưỡng chất cho cây. Để học cách trồng khổ qua bạn phải chuẩn bị đất thật tốt. Khổ qua ưa loại đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng và khả năng thoát nước tốt. Do vậy, nếu dùng đất tribat mua tại các cửa hàng bạn cần trộn thêm tro trấu, xơ dừa và phân hữu cơ.
Nếu tái sử dụng đất đã trồng các loại cây trồng khác, bạn nên làm sạch đất, rắc vôi bột trộn đều rồi phơi tầm 1 tuần cho sạch mầm bệnh. Sau đó trộn thêm phân hữu cơ để cung cấp dinh dưỡng cho đất.
Dụng cụ trồng
Nếu có đất thì bạn có thể trồng ra đất hoặc không thì bạn tận dụng thùng xốp hay chậu cây để trồng. Bạn cũng có thể sử dụng thùng sơn cũ cũng rất tốt. Nhiều nhà phố sử dụng thùng xốp vẫn có giàn khổ qua trĩu quả.
Lưu ý dụng cụ trồng cần có chiều sâu tối thiểu 30 cm và đặt ở nơi hứng nhiều ánh sáng mặt trời và tiện làm giàn sau này.
Hạt giống khổ qua
Hiện nay có 2 giống khổ qua phổ biến là khổ qua trái xanh và khổ qua trái trắng. Tùy sở thích của gia đình mà bạn chọn mua hạt giống phù hợp.
Ngoài ra, bạn cũng có thể xẻ trái khổ qua chín ra để lấy hạt. Tuy nhiên, cách này thì hạt giống khổ qua không đảm bảo chất lượng như hạt giống đóng gói của các công ty chuyên cung cấp hạt giống đã qua xử lý mầm bệnh nhé!
Cách trồng khổ qua
- Hạt giống khổ qua có vỏ cứng nên để kích thích nảy mầm nhanh, bạn cần ngâm ủ trước khi gieo trồng.
- Ngâm hạt giống khổ qua trong nước ấm tỷ lệ 2 sôi : 3 lạnh trong khoảng 6 giờ. Sau đó, bạn rửa lại thật sạch lớp nhờn rồi ủ hạt trong khăn ẩm cho đến khi nứt hạt.
- Khi ươm bạn có thể tự làm bầu ươm hoặc sử dụng viên nén được tạo sẵn cho việc ươm hạt. Bạn moi lỗ trong bầu ươm và cho hạt giống vào xong phủ một lớp đất mỏng lên trên. Nếu có rơm rạ hay tro trấu, bạn cũng có thể dùng để thay thế lớp đất phủ mặt này.
- Đặt bầu ươm vào nơi thoáng mát, không bị ánh nắng trực tiếp chiếu vào, mỗi ngày tưới nước 2 lần để cấp ẩm cho đất.
- Sau khoảng 5 ngày, hạt giống nảy mầm. Khi cây được 4 lá con, bạn đem trồng vào chậu đã chuẩn bị. Mỗi chậu chỉ nên trồng 2 – 3 cây con.
Kỹ thuật chăm sóc cây khổ qua
Tưới nước
Tưới nước mỗi ngày 2 lần để cây phát triển.
Giai đoạn cây ra hoa kết trái, bạn tăng lượng nước gấp đôi cho cây.
Làm giàn
Khi cây được 4 – 5 lá thật, nên làm giàn cho cây leo. Cây càng leo cao leo xa thì cho quả càng nhiều.
Giàn khổ qua cần phải chắc chắn và được thiết kế phù hợp với không gian nơi trồng. Làm giàn xong, bạn nên hướng cây lên giàn và tùy theo kích thước giàn mà bẻ nhánh cây để dây leo đều giàn.
Bón phân
Để giàn khổ qua ra quả nhiều, bạn đừng quên bón phân cho cây. Khi cây bắt đầu ra hoa, bón thúc cho cây bằng phân ure, kali hoặc NPK để cây có sức nuôi quả.
Tỉa cành lá và thụ phấn cho khổ qua
Để cây cho nhiều quả, bạn nên bấm bớt chồi nhánh của cây, chỉ phát triển những nhánh chính.
Thường hoa đực sẽ xuất hiện trước. Sau đó, hoa cái (có bầu nhỏ ở cuống hoa) nở sau. Ong bướm sẽ giúp bạn thụ phấn cho cây. Tuy nhiên, nếu ong bướm không thụ phấn cho cây được thì bạn tự thụ phấn cho cây để đạt năng suất cao nhất. Việc này nên tiến hành vào buổi sáng.
Khi hoa cái tàn, trái sẽ phát triển từ phần bầu nhỏ ở cuống hoa. Lúc này, bạn nên tỉa bớt lá gần quả để quả có ánh sáng phát triển khỏe mạnh.
Phòng ngừa sâu bệnh cho cây khổ qua
Cũng như những loại cây dây leo khác, khi trồng khổ qua, thường bị rầy và rệp sáp tấn công khiến cây xoăn ngọn không phát triển. Khi phát hiện bệnh bạn nên cắt bỏ phần dây bị bệnh để không lây lan ra cả giàn. Nếu quá nhiều thì bạn nên dùng thuốc Mimic hay Brightin để tiêu diệt.
Thỉnh thoảng bệnh đốm lá cũng gây hại cho cây. Bạn hãy dùng Topsin, Mataxyl để diệt trừ.
Ngoài ra, nếu đất không thông thoáng khiến độ ẩm cao, phần cây gần gốc dễ bị nứt. Nếu gặp trường hợp này, bạn hãy moi bớt đất gần gốc ra và xới xáo cho tơi xốp thoáng khí.
Thu hoạch
Áp dụng cách trồng khổ qua này, từ khi gieo trồng đến khi thu hoạch quả bạn chỉ mất 2 tháng. Khi cây ra quả, bạn nên theo dõi và thu hoạch sớm, tránh để trái già sẽ giảm dinh dưỡng.
Trên đây là tất cả những kiến thức liên quan đến cách trồng và chăm sóc khổ qua đối với nhà phố. Có nhiều người không ăn được bởi vị đắng của khổ qua. Tuy nhiên, có nhiều người lại rất mê. Ngoài làm món ăn thì khổ qua còn được sử dụng như một bài thuốc giá trị giúp thanh nhiệt, lợi tiểu, hỗ trợ hạ đường huyết và ngăn ngừa ung thư. Hãy dành chút thời gian để áp dụng cách trồng khổ qua ở trên để gia đình bạn không còn lo về vấn đề thực phẩm bẩn nhé!
Chúc bạn sẽ có những phút giây thư giãn bên giàn khổ qua do chính tay mình trồng!