Bầu là loại quả khá quen thuộc trong những bữa ăn gia đình người Việt với nhiều cách chế biến khác nhau như xào, luộc hay nấu canh,… Nếu bạn có không gian tại nhà thì hãy thử học cách trồng bầu trong thùng xốp để có thể sở hữu 1 giàn bầu siêu sạch cho gia đình những bữa ăn không phải lo lắng về độ an toàn. AVi Việt Nam sẽ cung cấp chi tiết cho bạn cách trồng, kỹ thuật chăm sóc để thu hoạch nhanh và năng suất cao lại ít sâu bệnh nhất. Hãy cùng tìm hiểu nhé!
Đặc tính của cây bầu
Bầu là loại cây dây leo, thân và lá phát triển mạnh và có khả năng cho quả quanh năm.
Bầu ưa sáng, ưa nắng, phát triển mạnh ở nhiệt độ từ 20 – 30 độ C. Ở Việt Nam có 4 loại bầu phổ biến là bầu sao, bầu thước, bầu thúng và bầu trắng.
Thời điểm gieo trồng thích hợp để giàn bầu đạt năng suất cao nhất là khoảng tháng 11 cho đến tháng 1 dương lịch.
Chuẩn bị
Đất trồng bầu
Bầu có khả năng thích nghi với nhiều loại đất khác nhau. Tuy nhiên, cây sẽ khỏe mạnh và phát triển tốt nhất trên đất phì nhiêu, tơi xốp, có độ pH khoảng 6 – 7%. Đối với cách trồng bầu trong thùng xốp, bạn nên trộn đất phù sa với ít vỏ trấu, xơ dừa và phân hữu cơ để tăng thêm dinh dưỡng cũng như độ tơi xốp cho đất.
Dụng cụ trồng
Bộ rễ bầu phát triển rất mạnh để lấy dinh dưỡng nuôi cả giàn nên bạn cần sử dụng thùng xốp hoặc chậu có kích thước lớn và có chiều sâu để đủ không gian nuôi rễ. Dụng cụ trồng phải có lỗ thoát nước để tránh úng cây.
Giống bầu
Bầu có thể được gieo trồng bằng hạt hoặc trồng từ cây con. Các loại giống đều được bán sẵn, bạn lựa chọn nơi bán uy tín để mua dùng.
Cách trồng bầu
Ngâm ủ và ươm hạt giống
Trước khi ươm, bạn nên ngâm hạt giống trong nước ấm tầm 10 – 12 tiếng đồng hồ. Sau đó ủ hạt trong cát nóng hoặc trong tro bếp khoảng 4 đến 5 ngày cho hạt nảy mầm. Nếu không có, bạn có thể ủ trong khăn ấm cũng được.
Đem hạt nảy mầm ươm sâu 2 – 3cm vào bầu đất hoặc sử dụng viên nén để ươm hạt giống. Mỗi ngày tưới nước 2 lần cấp ẩm cho bầu ươm cho đến khi cây bầu con lên được 2 lá thật thì đem đi trồng. Lưu ý không nên tưới quá nhiều nước dễ làm thối hạt.
Với cách trồng bầu bằng cây con, bạn bỏ qua bước ngâm ủ và ươm hạt giống như trên (nhà vườn đã thực hiện bước này cho bạn). Bạn chỉ cần lựa chọn cây con khỏe mạnh và đem đi trồng.
Trồng bầu vào chậu
Moi lỗ to và sâu hơn bầu ươm. Nếu dùng bầu ươm nilong thì bạn nhớ nhẹ nhàng cắt bỏ lớp nilong đi nhé! Sau đó đặt bầu ươm vào và lấp đất lại. Dí đất để cố định cây bầu. Mỗi chậu bạn nên trồng 2 – 3 cây con.
Trồng xong tưới nước cho chặt đất.
Kỹ thuật chăm sóc cây bầu
Tưới nước
Cây bầu ưa nước nên bạn cần duy trì việc tưới nước 2 lần mỗi ngày vào sáng sớm và chiều mát. Đặc biệt khi cây ra hoa kết trái, bạn tăng lượng nước lên gấp đôi để cây có sức nuôi trái.
Bón phân
Khi dây bầu leo lên giàn bạn tiến hành bón thúc cho cây bằng phân NPK. Khi bón phân, bạn nên bón quanh gốc cây, cách 1 khoảng 10 – 15cm.
Việc bón thúc giúp kích thích trái bầu phát triển to khỏe. Mỗi tuần bạn nên bón phân 1 lần cho đến khi trái bầu được 5 – 7cm thì ngưng.
Suốt thời gian sinh trưởng và phát triển, mỗi gốc bầu bón ít nhất 1,5kg phân NPK.
Vun xới
Khi dây bầu được khoảng 1m, bạn nên quấn dây bầu vòng quanh gốc và chặn đất lên thân để ngay những đốt thân mọc ra những tia rễ và những chùm rễ mới này sẽ đâm xuống đất lấy dinh dưỡng nuôi giàn bầu sau này. Việc làm này giúp cho giàn bầu có một bộ gốc vững chắc. Sau 2 tháng thì mới bắt đầu cho bầu leo lên giàn bạn nhé!
Làm giàn
Khi cây bầu xuất hiện tua cuốn, bạn tiến hành làm giàn và hướng bầu leo lên giàn. Giàn bầu cần phải làm cứng cáp, quấn dây thép mỏng đan xen nhau và có chiều cao tầm 2,5 đến 3m. Việc làm giàn giúp nâng đỡ dây bầu và cành lá được đón nắng tốt hơn. Nhờ vậy mà trái phát triển tốt hơn.
Tỉa cành, bấm ngọn bầu
Sau khi xuất hiện những quả bầu đầu tiên, bạn nên bấm ngọn và tỉa cành lá để bầu đẻ nhánh và cho trái trên những nhánh con. Tỉa bỏ những cành già yếu để nuôi những cành khỏe. Như vậy năng suất cũng như chất lượng trái bầu sẽ cao hơn.
Phòng trừ sâu bệnh
Giàn bầu nhà bạn có thể sẽ bị những loài sâu bệnh hại như: ruồi đục lá, rầy mềm, bọ rầy,… gây hại cho lá và thân bầu. Ngoài ra, một hiện tượng thường xảy ra đối với cây bầu là cây bị nhiễm virut hay nấm hại làm héo lá và chết dần.
Bạn phải để ý theo dõi và có biện pháp tiêu diệt ngay khi chúng xuất hiện.
Thu hoạch bầu
Với cách trồng bầu nêu trên, bạn chỉ mất tầm 70 – 80 ngày là có thu hoạch. Tùy theo giống bầu mà kích thước quả thu hoạch được sẽ khác nhau. Thông thường, từ khi cây ra hoa cho đến khi thu hoạch là tầm nửa tháng.
Bạn nên thu hoạch khi bầu còn non, tránh để già ruột bầu cứng mất đi chất dinh dưỡng mà lại làm cây đuối sức và nhanh cằn cỗi.
Đến đây thì có lẽ bạn đã hình dung được mình để trồng được một giàn bầu mình cần chuẩn bị những gì, tiến hành ra sao và khi nào thì thu hoạch được rồi đúng không? Hy vọng những kiến thức về cách trồng bầu trong thùng xốp đơn giản trên đây sẽ giúp gia đình bạn có một giàn bầu thật sum xuê trái. Nào, chần chừ gì nữa, hãy tiến hành ngay thôi!
Chúc bạn thành công nhé!