Cách trồng dưa lê siêu ngọt (theo phương pháp của chuyên gia)

Mùa hè nắng nóng mà có trái dưa lê ngọt mát do chính tay mình tự trồng được thì còn gì bằng đúng không ạ? AVi Việt Nam đã học được cách trồng dưa lê siêu ngọt của các chuyên gia và hôm nay muốn chia sẻ cùng bạn. Không có gì khó khăn cả, chỉ cần bạn đọc và làm theo từng bước thì chắc chắn bạn sẽ sớm thu được thành quả.

Quả dưa lê
Quả dưa lê

Đặc điểm của dưa lê

Dưa lê là loại quả giải khát tuyệt vời bởi có tính hàn, ngon ngọt, hương thơm dịu mà lại giàu vitamin C. Chính vì vậy mà nó có khả năng chống oxy hóa, trẻ hóa làn da và được các chị em yêu thích. Dùng dưa lê còn giúp cơ thể bạn tăng sức đề kháng, chống các loại virut vi khuẩn có hại cho cơ thể. Dưa lê ngon cả khi dùng trưc tiếp hoặc xay sinh tố.

Dưa lê thích hợp với nhiệt độ 25 – 33 độ C và độ ẩm 75 – 80%. Là cây ưa sáng, nếu trồng ở nơi kém sáng, cây sẽ còi cọc, kém phát triển và ảnh hưởng đến năng suất quả.

Thời điểm trồng phù hợp là từ tháng 2 đến tháng 9 âm lịch.

Sinh tố dưa lê thơm ngon bổ dưỡng
Sinh tố dưa lê thơm ngon bổ dưỡng

Chuẩn bị trồng dưa lê

Chọn giống

Dưa lê được nhân giống dễ dàng từ hạt. Để học theo chuyên gia cách trồng dưa lê cho những quả siêu ngọt và năng suất cao, bạn nên chọn hạt giống dưa lê F1. Đây được xem là 1 trong những giống dưa lê tốt nhất thị trường. Tuy có kích thước to vừa phải nhưng độ ngọt rất cao, cơm dưa dày, ít hạt và lại khá thơm.

Các giống dưa lê F1 được chuyên gia đề xuất như: Ngân Huy, Thanh Lê, NS-333, Hồng Ngọc, Ngân Hương.

Chuẩn bị đất trồng

Đất trồng dưa lê là loại đất thịt nhẹ hoặc đất cát pha hay đất phù sa. Cần đảm bảo dinh dưỡng cũng như độ thoát nước của đất tốt.

Trước khi trồng nên xử lý đất. Tốt nhất là sử dụng đất mới hoàn toàn hoặc nếu dùng lại đất đã qua trồng trọt thì bạn nên xử lý đất bằng cách rải vôi, phơi ải cho diệt hết mầm bệnh. Đồng thời bạn đừng quên bón lót cho đất bằng phân hữu cơ, phân chuồng, phân trùn quế,... để cung cấp dưỡng chất cho đất nuôi cây.

Dụng cụ trồng

Học cách trồng dưa lê siêu ngọt tại nhà rất đơn giản, bạn chỉ cần tận dụng những chậu cây hay thùng xốp có sẵn tại nhà. Đường kính chậu tối thiểu 60cm, sâu 40cm. Mỗi chậu trồng 2 hoặc 3 cây. Lưu ý đục lỗ thoát nước cho cây để tránh ngập úng nếu lỡ tưới quá tay hoặc gặp trời mưa.

Cách trồng dưa lê trong trong thùng xốp
Cách trồng dưa lê trong trong thùng xốp

Cách trồng dưa lê siêu ngọt tại nhà

Ngâm ủ và ươm hạt giống

Để kích thích nảy mầm, hạt giống nên được ngâm trong nước ấm 2 sôi : 3 lạnh trong khoảng 2 giờ đồng hồ. Sau đó đem ủ hạt giống vào khăn ẩm 2 – 3 ngày để hạt nứt vỏ.

Ươm hạt giống trong bầu ươm hoặc dùng viên nén để ươm hạt giống trước khi trồng. Đặt bầu ươm nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp, mỗi ngày tưới nước 2 lần sáng và chiều mát với lượng nước vừa phải.

Sau 10 – 14 ngày, cây xuất hiện 2 lá thật bạn có thể đem trồng vào chậu đã chuẩn bị.

Trồng cây dưa lê con vào chậu

Bạn hạn chế trồng quá dày ảnh hưởng khả năng sinh trưởng và phát triển của cây sau này. Như đã nói ở trên, chậu đường kính 60cm thì chỉ nên trồng 2 – 3 cây con. Chọn thời điểm mát mẻ, đem bầu ươm trồng vào chậu rồi tưới đẫm nước để cố định cây vào chậu.

Ươm hạt bằng viên nén
Ươm hạt bằng viên nén

Kỹ thuật chăm sóc dưa lê

Dưa lê khá dễ tính nên chỉ cần bạn chăm sóc cần thận là cây sẽ cho những quả ngon ngọt. Tùy theo điều kiện nơi trồng mà bạn có thể làm giàn cho cây hoặc cho cây bò ra đất. Tuy nhiên đối với cách trồng dưa lê tại nhà, bạn nên lưu ý đến vấn đề tưới nước, bón phân và cắt tỉa cành lá cũng như bảo vệ quả. Chi tiết như sau:

Tưới nước

Duy trì việc tưới nước thường xuyên với lượng nước vừa phải, tránh gây úng cây. Không tưới quá muộn, tránh để lá cây bị ướt qua đêm dễ tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển.

Lượng nước vừa phải sẽ giữ cây phát triển đều, không quá nhanh. Đến khi ra hoa, lượng nước tưới nên giảm xuống để cây dễ đậu quả. 

Bí quyết để tăng độ ngọt cho quả là giảm lượng nước tưới cho cây 10 ngày trước khi thu hoạch. Tưới nước nhiều làm quả giảm vị ngọt.

Bón phân

Khi cây được 4 – 5 lá thật, bạn nên bón thúc cho cây thêm khỏe mạnh. Dùng phân ure và kali bón cho cây, nên bón cách gốc 15 – 20cm để tránh làm nóng gốc cây.

Khi cây nở hoa, tiếp tục cung cấp thêm 1 đợt ure kết hợp kali nữa để cây có sức nuôi hoa nuôi trái.

Sau 40 – 45 ngày, tiếp tục bón 1 đợt phân như trước.

Chăm bón cẩn thận để cây phát triển khỏe mạnh
Chăm bón cẩn thận để cây phát triển khỏe mạnh

Kỹ thuật bấm ngọn, tỉa nhánh cây

Để cây đẻ nhiều nhánh con, khi có 5 – 6 lá thật, bạn dùng kéo bấm ngọn. Mỗi gốc bạn nên tập trung nuôi 3 hoặc 4 nhánh con to khỏe nhất. Khi cây phát triển được 15 – 16 lá thật, tiếp tục bấm ngọn đợt nữa để cây đẻ nhánh.

Cứ như vậy bạn cho cây nhảy nhánh con đến nhánh thứ 5 thì để quả. Để lại quả giữa 2 lá rồi tiếp tục bấm ngọn để tập trung dinh dưỡng nuôi quả. Đây là kỹ thuật quan trọng mà bạn cần nắm để cách trồng dưa lê đạt kết quả cao.

Mỗi cây để từ 7 – 10 quả. Để nhiều quả khiến cây nhanh cằn cỗi, quả không đạt chất lượng.

Việc tỉa nhánh và bấm ngọn nên được tiến hành vào buổi sáng. Nếu bạn làm vào buổi chiều, mầm bệnh sẽ dễ dàng xâm nhập và lây lan qua những vết bấm chưa khô nhựa.

Bảo vệ quả dưa lê

Khi dưa lê đậu quả, bạn hãy dùng lá che chắn tránh để quả tiếp xúc với ánh sáng mặt trời gây nám quả hoặc xuất hiện vân xanh và làm giảm chất lượng quả dưa.

Khi quả chín có mùi thơm đặc trưng thu hút côn trùng. Giai đoạn này bạn chú ý bảo vệ quả thật cẩn thận tránh bị côn trùng chích.

Che chắn cẩn thận tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào quả
Che chắn cẩn thận tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào quả

Phòng trừ sâu bệnh cho cây dưa lê

Đối với cách trồng dưa lê tại nhà ít khi bị sâu bệnh phá hại nhưng bạn cũng cần nắm những phương pháp phòng trị bệnh sau đây:

  • Trước khi trồng nên bón vôi và phơi đất để xử lý mầm bệnh.
  • Không tái sử dụng đất đã trồng dưa lê cho vụ tiếp theo.
  • Bệnh phấn trắng được điều trị bằng cách phun thuốc Benlate 0,01% hoặc Topsin 0,1%, Anvil…
  • Bệnh chảy nhựa thân xuất hiện thì bạn dùng Benlate, Copperb 23%, Ridomil, Aliette 80Wp để tưới vào gốc.
  • Bệnh sương mai điều trị bằng cách phun luân phiên 5-7 ngày/lần bằng Ridomil MZ nồng độ 400, Metitran 80% nồng độ 500.

Thu hoạch

Áp dụng triệt để cách trồng dưa lê như trên, sau 2 tháng là bạn thu hoạch được những quả dưa đầu tiên. Để dùng những quả dưa lê đậm vị ngọt, bạn không nên dùng ngay sau khi hái mà nên để quả dưa ở nơi thoáng mát 1 – 2 ngày.

Thành quả sau 2 tháng chăm sóc
Thành quả sau 2 tháng chăm sóc

Trên đây là cách trồng dưa lê siêu ngọt tại nhà mà AVi đã học hỏi của các chuyên gia trong ngành để chia sẻ cho bạn. Hy vọng những kiến thức này sẽ giúp bạn thu hoạch được những quả dưa lê ngon ngọt và đặc biệt là “bao sạch” cho cả gia đình sử dụng.

Chúc bạn luôn thành công!

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!



Bài khác cùng chuyên mục Cây Ngắn Ngày

Cách trồng đậu rồng siêu đơn giản nhanh thu hoạch

Cách trồng đậu rồng siêu đơn giản nhanh thu hoạch

Ngày đăng: 12-06-2020

Đậu rồng được biết đến như 1 món ăn bổ dưỡng mà cách trồng lại đơn giản. Tuy nhiên, nếu không nắm vững cách trồng đậu rồng thì có thể bạn trồng sẽ không ra trái đấy!

Cách làm giá đỗ ngon ngọt cực đơn giản

Cách làm giá đỗ ngon ngọt cực đơn giản

Ngày đăng: 12-06-2020

Sử dụng giá đỗ tự làm là 1 cách thông minh và an toàn. AVi Việt Nam sẽ hướng dẫn bạn 1 số cách làm giá đỗ đơn giản, tiện lợi, nhanh chóng cho bạn dễ dàng thực hiện tại nhà.

Cách trồng hẹ đơn giản tại nhà

Cách trồng hẹ đơn giản tại nhà

Ngày đăng: 08-06-2020

Nhiều gia đình đã và đang tìm hiểu cách trồng hẹ để tự cung tự cấp cho cả nhà 1 nguồn thức ăn sạch sẽ không lo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Ẩn