Có lẽ bạn đã quen với loại cà chua thân thảo mềm như cà chua thường và cà chua dạng thân leo như cà chua bi hơn là giống cà chua thân gỗ. Không phải chúng ta nhầm đâu! Thực ra đây là giống cà chua ngoại nhập với nhiều đặc điểm khác lạ. Đây còn được xem là một trong những loại cây ăn quả hiếm gặp và giá trị kinh tế khá cao. Hãy dành thời gian để tìm hiểu thêm về chúng nhé! AVi Việt Nam sẽ cung cấp cho bạn những thông tin chi tiết về đặc điểm, giá trị dinh dưỡng, ưu điểm, cách trồng và chăm sóc chúng.
Về giống cà chua thân gỗ
Loài cây đặc biệt này được tìm thấy lần đầu tiên ở dãy Andes thuộc Châu Mỹ. Chúng được trồng khá nhiều ở Argentina, Ecuador, Columbia, Chile và Mexico… Cây được đem về trồng thử nghiệm ở Lâm Đồng và cho kết quả tốt. Chính vì điều này mà có thời gian nhiều người nông dân đã chuyển đổi từ những mô hình khác qua loại cây mới mẻ này.
Chiều cao của cây cà chua thân gỗ lên đến 5m, quả hình trứng với kích thước tầm 5cm. Mỗi chùm ra từ 3 – 4 quả. Khi chín chúng chuyển thành màu vàng cam hoặc màu đỏ.
Trung bình sau khi đạt 1 – 1,5 năm tuổi cây mới bắt đầu cho quả. Cây có tuổi thọ tầm 5 – 10 năm tùy vào điều kiện nơi trồng và kỹ thuật chăm sóc.
Giá trị dinh dưỡng của cà chua thân gỗ
Theo nhiều nghiên cứu, đây là loại cà chua có hàm lượng dinh dưỡng khá cao, đặc biệt là vitamin E và vitamin C. Trong 100gram quả chín chứa đến 31 kilo calo trong khi hàm lượng này ở quả cà chua thường chỉ đến 18 kilo calo.
Loại quả này có thể được dùng để ăn trực tiếp, làm salad và chế biến nhiều món khác nhau.
Ưu điểm
Qua nhiều năm trồngtại Việt Nam, chúng đã thể hiện những ưu điểm sau:
- Hàm lượng dinh dưỡng cao, chứa nhiều vitamin C, vitamin A và những chất chống oxy hóa rất tốt cho sức khỏe.
- Giá trị kinh tế cao. Có thời kỳ giá lên đến 1 triệu đồng/kg. Có thểáp dụng những tiêu chuẩn nông nghiệp sạch như VietGap hay GlobalGap vào trồng xuất khẩu sang nước ngoài.
- Hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của nước ta. Đồng thời đây là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc.
- Thời gian bảo quản lâu. Có thể bảo quản nguyên vẹn quả đến 75 ngày ở nhiệt độ 8 độ C. Vì vậy dễ vận chuyển và tiêu thụ ở những nơi xa.
Cách trồng cây cà chua thân gỗ
Chuẩn bị giống
Hiện nay có 2 phương pháp để trồng cây là bằng hạt giống hoặc ghép cành.
- Nếu gieo hạt, bạn sẽ mất khá nhiều thời gian và công sức, tỷ lệ nảy mầm không đạt nhiều. Tuy nhiên, những cây thu được sẽ có đặc điểm sinh trưởng tốt, thời gian cây cho quả lâu hơn.
- Nếu chọn phương pháp ghép cành, bạn sẽ tiết kiệm khá nhiều thời gian, công sức nhưng cây sẽ nhanh già cỗi.
Bạn có thể mua cây con bán sẵn để tiết kiệm thời gian công sức.
Nên chọn những cây giống cao tầm 20 – 25cm và đang phát triển khỏe mạnh, không sâu bệnh.
Chuẩn bị đất
Cây cà chua thân gỗ sinh trưởng và phát triển tốt nhất nếu được trồng trên loại đất giàu dinh dưỡng, tơi xốp, thoáng khí, thoát nước tốt.
Nên trồng cây ở nơi thông thoáng, ánh sáng tốt, dễ tưới nước và thoát nước nhanh chóng.
Thời điểm thích hợp
Cây cà chua này ưa sống ở khí hậu mát mẻ nhưng không mưa nhiều nên tốt nhất bạn hãy trồng cây vào đầu mùa xuân.
Nếu trồng vào thời điểm này, cây sẽ ra hoa vào cuối mùa hè và đến đầu thu cây bắt đầu cho quả.
Tiến hành trồng
Khi đã chuẩn bị tất cả những yếu tố trên, bạn tiến hành trồng cây cà chua thân gỗ như sau:
- Cắt bịch nilong của bầu cây con. Đặt cây nhẹ nhàng vào hố trồng.
- Cắm cọc cố định cây để cây không gãy đổ. Sau đó tưới đẫm nước cho dẽ đất.
Bạn nên trồng khi trời mát mẻ và mật độ trồng tối thiểu là 2 – 2,5m để cây có không gian phát triển.
Kỹ thuật chăm sóc
Quá trình chăm sóc cây cũng khá đơn giản, bạn chỉ cần quan tâm đến những vấn đề như tưới nước, bón phân, tỉa cành tạo tán, làm cỏ và phòng trừ sâu bệnh hại cây.
Tưới nước và làm cỏ
Đây là loài cây ưa nước nên bạn phải thường xuyên tưới nước giữ ẩm cho cây. Tùy theo mùa mà bạn tưới lượng nước phù hợp.
Bạn có thể lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt để tiết kiệm thời gian, công sức cũng như tiết kiệm nước tưới mà cây vẫn phát triển khỏe mạnh.
Khi tưới nước bạn nên kết hợp làm cỏ cho cây để giữ gốc thông thoáng, cây phát triển nhanh và cỏ không lấy đi chất dinh dưỡng của cây. Bạn có thể dùng rơm rạ khô hoặc xác bèo hay vỏ trấu để tủ gốc cây hạn chế cỏ và sự bốc hơi nước trong mùa khô.
Tỉa cành và tạo tán
Khi cây bắt đầu nhảy nhánh (cao tầm 1,5m) bạn nên tỉa cành để phát triển nhánh giúp tăng số lượng quả cho cây.
Bạn chỉ cần bấm ngọn để cây phân cành cấp 1 rồi cấp 2. Nên tỉa đều các phía để mỗi cành đều được nhận lượng ánh sáng mặt trời như nhau và cho quả đồng đều.
Bón phân
Bón phân là cách để bạn cung cấp thêm dinh dưỡng cho cây cà chua thân gỗ. Những thời điểm bón phân thích hợp là:
- Sau khi trồng cây 1 tháng bón các loại phân chuồng, phân gà, phân dê,…
- Định kỳ 1,5 – 2 tháng bón thúc 1 lần bằng phân NPK 16:16:8 hoặc 20:20:10 cho đến khi cây ra hoa kết quả.
- Sau mỗi đợt thu hoạch bạn lại bổ sung phân hữu cơ để cây phục hồi sức lại nhanh cho quả.
Phòng trừ sâu bệnh
Trong quá trình cây sinh trưởng và phát triển, bạn nên chú ý đến bệnh phấn trắng. Đây là loại bệnh hại gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng và số lượng quả thu được.
Cần quan sát cây thường xuyên để phát hiện và xử lý kịp thời các loại sâu bệnh ngay khi chúng xuất hiện.
Thu hoạch và bảo quản
Khoảng 2 năm từ khi trồng, bạn mới thu hoạch lứa quả đẩu tiên. Những năm đầu, sản lượng quả không được cao như mong đợi, bạn đừng nóng vội nhé! Thông thường đến khi cây được 4 năm tuổi thì năng suất sẽ đạt cao nhất.
Bạn nên thu hoạch khi quả từ màu xanh chuyển hẳn sang vàng hoặc đỏ. Lúc này quả cà chua thân gỗ có hàm lượng dinh dưỡng cao nhất.
Ở nhiệt độ phòng, chúng ta có thể bảo quản chúng đến 2 tuần. Nếu bạn muốn dùng lâu dài hoặc vận chuyển đi bán ở nơi khác thì nên bảo quản ở nhiaệt độ 8 độ C (trong vòng 75 ngày).
Như vậy, đến đây bạn đã có những thông tin cơ bản về đặc điểm và ưu điểm của cây, giá trị dinh dưỡng của quả cũng như cách trồng và chăm sóc cây cà chua thân gỗ. Hy vọng những kiến thức này hữu ích với bạn. Nếu yêu thích giống cà chua mới này thì bạn đừng ngần ngại, hãy thử trồng vài cây tại nhà để cả gia đình được sử dụng những quả cà chua sạch vô cùng bổ dưỡng nhé!
Chúc bạn thành công!