Nói về bơ thì chắc hẳn bạn không thể nào không nhớ đến cái vị béo béo tuyệt vời của nó đúng không? Nếu có một mảnh vườn bé bé, bạn có nghĩ đến việc học cách trồng bơ để tự cung tự cấp cho gia đình loại cây ăn quả siêu ngon siêu bổ dưỡng này chưa? Hay bạn băn khoăn liệu rằng có phải mất đến 5 – 7 năm mới được thu hoạch? Nếu có thì đây là bài viết bạn cần phải đọc để nắm được cách chọn giống bơ, cách trồng và chăm sóc cây bơ để nó cho năng suất cao nhất trong thời gian ngắn nhất (chỉ mất 2 – 3 năm). Hãy tự trồng để tận hưởng được vị bơ sạch nó như thế nào. Từ đó bạn sẽ không còn lo sợ về chuyện mua nhầm bơ non, bơ tẩm hóa chất bảo quản hay bơ bị dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nữa.
Đặc điểm của bơ
Cây bơ là loài cây ăn quả khá hợp với khí hậu Việt Nam nên so với nhiều nước khác, bơ Việt Nam không thua kém về chất lượng cũng như năng suất. Hiện nay những vùng trồng nhiều bơ nhất nước ta là Tây Nguyên, Lâm Đồng, Đồng Nai hay Bà Rịa – Vũng Tàu.
Bơ thuộc loại cây dễ trồng. Ở Việt Nam có khá nhiều giống bơ như: bơ 34, bơ Booth, bơ sáp,… Quả bơ mang hàm lượng dinh dưỡng khá cao, đặc biệt tốt cho bà bầu cũng như em bé từ tuổi ăn dặm.
Dùng bơ thường xuyên giúp bạn có làn da mịn màng, tươi trẻ, chống lại quá trình lão hóa. Đồng thời hàm lượng dầu quả bơ còn giúp giảm cholesterol trong máu rất tốt (nó chỉ xếp sau quả oliu).
Chuẩn bị
Thời điểm trồng
Thời điểm thích hợp để tiến hành trồng bơ là đầu mùa mưa (khoảng tháng 6, tháng 7 dương lịch). Bạn cũng có thể trồng vào những mùa khác nhưng phải chủ động được nguồn nước tưới. Việc chọn thời điểm trồng ảnh hưởng khá lớn đến cách trồng bơ của bạn.
Ở các tỉnh Tây Nguyên, cây bơ thường được trồng xen với những loài cây khác như cây cà phê vẫn đảm bảo năng suất thu hoạch. Nhưng mật độ trồng phải đảm bảo, mỗi cây cách nhau 8m. Nếu chọn bơ trồng ở nhà ăn chơi thì bạn chỉ cần cách các loại cây khác 6m là được.
Đất trồng
Bơ ưa loại đất màu mỡ giàu dinh dưỡng, nhiều mùn với điều kiện đất trồng tơi xốp, thoáng khí và chống úng tốt. Độ pH của đất khoảng 5-7 là thích hợp.
Bơ được trồng vào hố với kích thước tối thiểu là 60x60x60cm. Trước khi trồng 1 tháng bạn nên bón lót khoảng 10kg phân chuồng hoay mục, bón vôi khử trùng mầm bệnh và bón thêm nửa kg phân lân cho mỗi hố trồng. Có thể cho thêm 1 hạt long não để chống mối cho đất.
Giống bơ
Có 2 cách để bạn lựa chọn là: cách trồng bơ bằng hạt và trồng bơ bằng phương pháp ghép nêm chồi.
- Cách trồng bằng hạt là cách trước đây người ta hay sử dụng nhưng hiện nay người ta đã nhận ra phương pháp này có nhiều nhược điểm là thời gian thu hoạch lâu, năng suất quả không cao và chất lượng quả không đạt và không ổn định như cây mẹ.
- Cách ghép nêm chồi ngày nay được sử dụng phổ biến bởi nó khắc phục được những nhược điểm của phương pháp kia. Cây bơ có tốc độ sinh trưởng phát triển nhanh chóng, cho thu hoạch sớm. Đặc biệt, chất lượng quả bơ cao, sản lượng rất đạt. AVi khuyên bạn nên chọn phương pháp này nhé! Bạn lưu ý chọn cây giống ghép sẵn to khỏe, phát triển tốt, không sâu bệnh.
Cách trồng bơ
Sau khi đã đào hố, làm đất và chuẩn bị cây giống, bạn hãy tiến hành trồng bơ theo các bước sau:
- Bước 1: Nhẹ nhàng xé bầu cây giống (tránh làm tổn thương bộ rễ). Đặt cây con vào chính giữa hố trồng.
- Bước 2: Lấp đất cố định cây con rồi giẫm nhẹ xung quanh cho cây đứng vững. Khi trồng bạn chỉ cần trồng bầu cây ngang với mặt đất, không nên trồng quá sâu.
- Bước 3: Tưới đẫm nước để dẽ đất và cấp ẩm cho cây con.
- Bước 4: Che chắn cho cây vì lúc mới trồng ra môi trường mới, cây bơ chưa kịp thích nghi với môi trường. Việc che chắn cho cây bơ tiến hành như sau:
-Đóng 3 hoặc 4 cọc xung quanh cây bơ mới trồng.
-Dùng lưới nilong che xung quanh sao cho phần mép trên của lưới cao hơn ngọn cây 20cm.
Kỹ thuật chăm sóc cây bơ
Tưới nước
Bơ là cây trồng lâu năm và nhu cầu lượng nước cũng thay đổi theo độ tuổi. Sau khi thực hiện xong cách trồng bơ nói trên, bạn cần tưới nước như sau:
- Giai đoạn cây mới trồng: Tưới nước 3 – 5 ngày 1 lần (những ngày mưa không cần tưới) trong vòng 1 tháng đầu. Ngoài tưới nước, bạn nên phủ gốc cây bằng rơm rạ, cỏ khô hoặc tro trấu để giữ ẩm cho gốc. Sau đó, chỉ cần tưới 10 – 15 ngày 1 lần. Tưới nước nhẹ nhàng đầy bồn cây để cây hút nước từ từ.
- Năm thứ 2: Trong mùa khô, bạn nên tưới cây bơ định kỳ 15 – 20 ngày 1 lần để cung cấp nước cho cây. Lúc này bộ rễ cây bơ đã ăn sâu xuống đất nhưng nếu không tưới, cây bơ dễ bị khô rốc, kém phát triển.
- Năm thứ 3 trở đi: Cứ 20 – 25 ngày tưới 1 đợt. Tuyệt đối không tưới khi cây đang trổ hoa. Sau khi đã đậu quả bạn mới tiếp tục tưới nhé.
Bón phân
- Sau khi trồng bơ 20 ngày, bạn nên bón thúc cho cây bơ bằng 100g phân NPK 2:2:1. Bón cách gốc 20 cm sau đó tưới nước cho phân tan và thấm vào đất. Trong 1 năm đầu, bạn duy trì bón phân như trên định kỳ mỗi tháng 1 lần.
- Qua năm thứ 2: tăng lượng phân lên 200 – 300g và bón định kỳ cứ 2 tháng 1 lần.
- Năm thứ 3: cây bơ của bạn bắt đầu ra hoa kết trái. Tùy theo sức sống của cây mà bạn lựa chọn để lại số lượng quả phù hợp. Mỗi cành chỉ để từ 1 – 3 quả đẹp nhất. Việc bón phân nên được thực hiện khi quả đã được 1 tháng tuổi. Suốt quá trình nuôi quả, bạn bón 3 đợt phân (mỗi đợt 2kg NPK). Bón thêm Kali để tránh rụng quả.
- Sau khi thu hoạch quả, bạn tiếp tục cung cấp cho cây 1 – 2kg Ure để cây phục hồi.
Cắt tỉa tạo tán
Do chọn cách trồng bơ bằng phương pháp ghép nêm chồi nên cây bơ sẽ phát triển cành nhánh sớm. Khi cây đạt độ cao 60 – 70cm, bạn nên bấm ngọn để cây nhảy cành.
Sau đó bạn cắt tỉa cành chồng chéo và những chồi vượt để tạo tán tỏa đều cho cây. Việc tạo tán đồng đều giúp cây phát triển tốt, cho năng suất cao.
Sau khi thu hoạch quả, bạn nên cắt bỏ những cành yếu hay bị sâu bệnh.
Ngoài ra, nếu có những cành nhỏ nhưng trái nhiều, bạn nên dùng cây chống đỡ hỗ trợ lực cho cành để tránh bị gãy cành.
Phòng trừ sâu bệnh
Khi học cách trồng bơ, bạn nên nắm những loại sâu bệnh phổ biến để xử lý kịp thời ngay khi có dấu hiệu. Cây bơ thường bị những loại sâu bệnh sau đây tấn công:
Sâu cuốn lá
Là loại sâu dài khoảng 1cm, thường nhả tơ làm tổ bằng cách cuốn lá. Khi phát hiện loài sâu này, bạn nên gỡ bỏ những ổ tơ rồi xịt thuốc bảo vệ thực vật.
Rầy bông
Loại rầy này thường tấn công cây bơ trong mùa mưa. Chúng chích hút nhựa cây, lá cây và đọt non và cả những quả non. Bạn có thể dùng supracide, suprathion, bassa,… để diệt trừ.
Bệnh thối rễ
Nguyên nhân gây bệnh là nấm Phytophthora cinnamon. Chúng xâm nhập làm hư rễ dẫn đến chết cây. Cây bơ bị bệnh thối rễ có biểu hiện tán lá xơ xác, lá chuyển màu rồi rụng, cây chết dần. Khi trồng bơ bạn nên phòng bệnh bằng cách:
- Chọn giống kỹ lưỡng, không bị bệnh.
- Xử lý đất tơi xốp, thoáng khí, thoát nước tốt, đào hố đủ sâu.
- Khi thấy xuất hiện những vết thối trên thân cây bơ, bạn cạo sạch vết thối và quét sulfate đồng hay vôi đặc lên.
- Nếu xử lý không kịp, cây chết, bạn tiến hành đào gốc và tiêu hủy ở xa khu vực trồng để bệnh không lây lan.
Bệnh đốm lá
Khi cây trưởng thành (từ năm thứ 2) thường bị những đốm nâu trên lá. Nếu không phát hiện và trị kịp thời bệnh sẽ lây lan sang quả. Nên xử lý bằng các chế phẩm sinh học.
Ngoài ra, bạn còn phải thường xuyên tỉa cành lá để giúp cây thông thoáng sẽ hạn chế sâu bệnh.
Thu hoạch
Đối với cách trồng bơ bằng cây ghép, thời gian thu hoạch những trái đầu tiên chỉ sau 2 – 3 năm. Nếu trồng bơ bằng hạt, cây bơ sẽ mất 5 – 7 năm mới có quả. Những năm đầu, năng suất cây bơ chưa cao, bạn nên kiên nhẫn chờ đợi. Cây bơ cho quả tầm 2 – 3 vụ mới đạt năng suất cao.
Khi hái bơ, bạn nên hái vào buổi sáng. Chọn những quả bơ đã chuyển màu và vỏ bóng mượt.
Sau khi hái, quả bơ cần được bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát.
Đến đây bạn đã thấy được cách trồng bơ thực ra không khó khăn như bạn nghĩ đúng không? Để rút ngắn thời gian thu hoạch bơ, bạn nên chú ý lựa chọn giống bơ ghép nêm, không nên chọn cách trồng bằng hạt giống. Quá trình chăm sóc bạn nên cung cấp đủ nước, bón phân định kỳ và tỉa cành tạo tán cho cây phát triển tốt cho năng suất cao. AVi hy vọng những kiến thức về cách trồng, cách chăm sóc cây bơ trên đây sẽ giúp bạn tự tin hơn để chọn giống bơ phù hợp để tự trồng tại nhà. Chỉ cần bạn có mảnh vườn bé bé là có thể trồng một cây bơ cho gia đình dùng rồi đấy.
Chúc bạn thành công!