Thành phần quả đu đủ giàu chất oxy hóa, giàu calorie và ít đường nên được nhiều chị em yêu thích. Ngoài ra, đu đủ còn hỗ trợ điều trị các bệnh như tiểu đường, hen suyễn, ngăn ngừa ung thư,… Nhưng bạn đã biết cách trồng đu đủ để thu được những quả ngon ngọt quanh năm chưa? Bằng bài viết này, AVi Việt Nam sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức cần thiết từ việc chuẩn bị, cách trồng cho đến cách chăm sóc, cách phòng trừ sâu bệnh cũng như thu hoạch đu đủ. Bạn hãy đọc kỹ và áp dụng vào thực tế nhé!
Đu đủ là loại cây sinh trưởng và phát triển mạnh, ra trái quanh năm. Thời điểm thích hợp để trồng đu đủ là vào mùa mưa (tháng 7, tháng 8). Tuy nhiên, nếu khu vực bạn sống bị ảnh hưởng của lũ lụt thì bạn nên trồng sau mùa lũ để cây không bị úng. Để trồng được những cây đu đủ năng suất cao, bạn cần tiến hành những bước chuẩn bị sau đây:
Chuẩn bị
Chọn giống
Đu đủ được nhân giống bằng hạt. Nếu bạn có sẵn quả đu đủ chín ngon không sâu bệnh thì bạn có thể dùng chính những hạt của quả đó để gieo trồng. Nếu như không có sẵn, bạn hãy đến cửa hàng chọn mua hạt giống.
Hạt giống đu đủ chuẩn là hạt đen, chìm trong nước. Bạn rửa sạch lớp màn nhớt bên ngoài hạt, sau đó phơi khô và đem đi gieo (với hạt giống mua sẵn, bạn bỏ qua bước này).
Bạn có thể chọn giống đu đủ tùy theo sở thích hoặc bạn có thể chọn đu đủ giống Hồng Phi và Trạng Nguyên (2 loại đu đủ lai cho năng suất cao).
Làm đất trước khi trồng
Bạn nên làm sạch đất, sạch tàn dư vụ cũ, bón vôi khử trùng và phơi ải cho đất thật kỹ (tầm 1 – 2 tháng) để khử hết mầm bệnh tiềm ẩn.
Đất trồng đu đủ phải là đất giàu dinh dưỡng, không nhiễm phèn, được cày bừa kỹ cho tơi xốp, thoát nước tốt bằng cách lên luống cao.
Luống đất phải đủ rộng để sau này lớn các tán lá cây không đan xen với nhau quá dày. Mỗi luống cách nhau từ 2 – 2,5m, luống được lên cao cách mặt rãnh 40 – 45cm và mặt luống rộng 1,6 – 2m.
Trước khi trồng, bạn tiến hành đào hố vuông cạnh 60cm, sâu 30cm (đào hố trên luống). Mỗi hố cách nhau 2m. Khi đào hố bạn nên dóng hàng ngang dọc thẳng nhau để trồng cây ngay ngắn, dễ chằng chống sau này.
Bón lót cho đất trồng mỗi hố 0,5kg vôi bột, 5-7kg phân hữu cơ hoai mục, 0,5kg super lân và 0,2kg kali clorua.
Nếu trồng trong chậu thì bạn làm đất tơi xốp, bón lót và chọn chậu đủ rộng, có lỗ thoát nước.
Cách trồng đu đủ
Gieo hạt
Như những loại hạt khác, trước khi gieo, bạn cũng ngâm ủ. Ngâm hạt đu đủ trong nước ấm 40 – 500C trong 5 giờ, sau đó đem ủ trong khăn ẩm 4 – 5 ngày. Khi thấy nứt hạt, bạn đem đi ươm.
Bạn có thể dùng viên nén xơ dừa để ươm hạt vừa sạch sẽ, đỡ tốn công sức lại chất lượng tốt.
Nếu không, bạn có thể tự làm bầu ươm bằng cách sử dụng túi nilong có lỗ thoát nước. Bỏ đất đã chuẩn bị vào túi, ươm hạt vào giữa bầu, phủ thêm 1 lớp đất mỏng, nhẹ nhàng tưới nước cung cấp độ ẩm rồi đặt chúng ở nơi thoáng mát, không bị ánh nắng trực tiếp cũng như bị mưa tạt.
Mỗi ngày bạn tưới nước cho bầu ươm 1 lần để hạt giống phát triển.
Khi xuất hiện 2 – 4 lá mầm, bạn giảm tưới nước xuống, tưới nước cách ngày và cho bầu ươm tiếp xúc với ánh nắng mặt trời để lá bắt đầu quang hợp và cây không bị xiêu vẹo.
Thăm nom thường xuyên và kịp thời nhổ cỏ dại để phòng sâu bệnh cho vườn ươm.
Tiến hành trồng
Khi cây cao 10 – 15cm và có 4 – 5 lá thật, bạn tiến hành trồng cây xuống hố đã chuẩn bị.
Cách trồng đu đủ cho năng suất cao là bạn trồng cây nghiêng 1 góc 450 so với mặt đất. Điều này ngoài giúp đu đủ sai quả còn hạn chế việc đổ gãy cây và dễ thu hoạch cũng như dễ kiểm soát được sâu bệnh.
Theo như khảo sát, năng suất thu hoạch từ việc trồng nghiêng này thường cao hơn 50 - 60% so với phương pháp trồng cây đứng truyền thống.
Khi trồng cây xuống hố bạn nên trồng theo hướng Đông Tây để cây tận dụng được ánh sáng mặt trời để quá trình quang hợp diễn ra mạnh mẽ. Từ đó tăng năng suất, chất lượng quả, đồng thời giảm gãy đổ.
Bạn đem bầu ươm chia sẵn mỗi hố 1 bầu (chọn những cây phát triển tốt, loại bỏ những bầu không phát triển). Nếu dùng viên nén xơ dừa thì bạn không cần xé vỏ, nếu tự làm bầu ươm bằng túi nilong thì bạn cắt bỏ túi nhẹ nhàng để không ảnh hưởng rễ cây. Đặt xuôi cây giống theo hướng Đông Tây, vun đất quanh bầu và dùng tay nén chặt gốc và tưới nước.
Để ngọn cây vươn lên đúng hướng, bạn hãy dùng cây cắm nâng ngọn đu đủ lên. Nhớ rằng: trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển, bạn hãy giữ cây đu đủ nghiêng 1 góc 450 so với mặt đất.
Kỹ thuật chăm sóc cây đu đủ
Bón phân
Ngoài đợt bón lót trước khi trồng, bạn còn bón thúc định khỳ cho cây kể từ khi cây được 1 tháng tuổi. Đình kỳ bón phân như sau:
- Khi cây được 1 tháng tuổi: Bón thúc 7 ngày 1 lần bằng 50gr NPK Đầu Trâu 16-12-8-11+TE cho mỗi gốc.
- Khi cây được 2 – 3 tháng tuổi: Cứ 15-20 ngày bạn bón 1 lần với: 70-100gr NPK Đầu Trâu 16-12-8-11+TE cho mỗi gốc.
- Khi cây được 3 – 7 tháng tuổi: Mỗi tháng bạn bón thúc 1 lần, lượng bón 100-150gr NPK Đầu Trâu 12-12-17-9 + TE kết hợp với việc vun gốc cho cây.
Mỗi lần bón phân, bạn nên hòa tan phân trong nước lã và tưới cách xa gốc 20-30cm, hạn chế gốc cây tiếp xúc trực tiếp với phân gây nóng chết cây. Để đu đủ tăng trưởng nhanh, bạn kết hợp phun thêm phân bón lá 3-4 tuần/lần.
Cây đu đủ phát triển rất nhanh. Sau khi trồng đu đủ 2 tháng rưỡi là bạn sẽ thấy chúng bắt đầu ra hoa kết trái. Đây là lúc cây đu đủ mẹ mang gánh nặng trên người, dễ gãy đổ. Vì thế, bạn nên có biện pháp chống gãy đổ cho cây. Thường là người ta dùng cọc chống cây.
Lúc này bạn hạn chế xới xáo tránh tổn thương rễ. Việc cần làm là giật bỏ lá già, thông rãnh thoát nước và diệt cỏ dại. Bạn có thể dùng lá già và rơm rạ tủ gốc cây để giữ ẩm đất, giữ dưỡng chất cho cây và hạn chế cỏ mọc.
Phòng trừ sâu bệnh cho cây đu đủ
Đu đủ thường bị những loài sâu hại như rệp sáp, bọ nhảy, nhện đỏ tấn công. Bạn nên phát hiện sớm để xử lý kịp thời. Nếu chúng xuất hiện dày, bạn nên phun Decis 2,5 ND (nồng độ 0,1%), Trebon (1%) để diệt trừ.
Ngoài ra, cây đu đủ còn bị vi rút xoăn ngọn làm hại. Đây là loại virut có sẵn trong hạt giống hoặc đất trồng. Nếu vụ trước bạn bị virut này tấn công thì bạn không nên tiếp tục trồng lại cây đu đủ trên đất đó nữa. Đồng thời nên dùng giống kháng bệnh.
Với các bệnh như thán thư, đốm lá, phấn trắng,... Bạn có thể sử dụng các thuốc Daconil, Topsin hay Zineb, Mancozeb để phun.
Thu hoạch
Nếu bạn áp dụng triệt để cách trồng đu đủ nói trên thì chỉ sau 7 tháng bạn đã có thể thu những quả xanh làm rau. Nếu muốn thu hoạch trái chín thì bạn đợi tiếp tầm 2 tháng nhé!
Việc thu quả chín được tiến hành khi trên thân quả xuất hiện các vết đốm hoặc sọc vàng nhạt (quả đang có dấu hiệu chín sinh lý). Ngoài ra bạn cũng có thể căn cứ vào độ bóng của quả đu đủ. Khi chúng bóng vỏ, ửng vàng trên chóp là lúc bạn có thể tiến hành thu hoạch.
Để dùng quả ngon ngọt nhất, sau khi hái, bạn hãy để thêm vài ngày để quả chín đều.
Nếu bạn hái quá sớm, quả sẽ nhạt vị và tất nhiên bán sẽ không được giá bằng quả chín.
Bạn hãy hái trái lúc trời nắng ráo tránh thu hoạch lúc trời mưa ẩm ướt nhé!
Đến đây chắc chắn bạn đã nắm được cách trồng đu đủ và cả những bí quyết chăm sóc cây trong suốt quá trình sinh trưởng, phát triển cũng như cách thu hoạch đu đủ rồi. Hy vọng với những kiến thức này, bạn sẽ áp dụng vào thực tế canh tác ở địa phương mình, nâng cao kinh tế gia đình bạn hoặc đơn giản bạn có thể trồng được vài cây đu đủ ngay trong vườn nhà mình để cả gia đình có đu đủ siêu sạch, siêu sai quả để dùng quanh năm. Chúc bạn và gia đình luôn khỏe mạnh nhờ nguồn dinh dưỡng dồi dào từ những trái đu đủ bạn trồng được nhé!