Rau má có chứa nhiều vitamin và chất xơ, giúp thanh nhiệt, giải độc và làm đẹp da. Do đó nó cực tốt cho cơ thể. Bạn cũng muốn tự trồng rau má tại nhà đúng không? Vừa tươi ngon sẵn sàng muốn dùng lúc nào cũng được, không phải mất công dự trữ mà lại cực an toàn, chẳng phải lo lắng vấn để vệ sinh an toàn thực phẩm. AVi Việt Nam sẽ hướng dẫn bạn cách trồng siêu dễ mà ai cũng có thể làm được. Hy vọng nó sẽ giúp ích cho bạn!
Rau má không chỉ dùng để nấu canh mà nó còn là một loại nước uống rất ngon lại vô cùng bổ dưỡng. Hơn hết là việc trồng rau má lại rất đơn giản, dễ làm chỉ cần bạn có 1 góc sân đủ nắng, 1 ban công nho nhỏ hoặc nếu bạn có sân thượng thì càng tốt. Ở Việt Nam, rau má có 2 loại: chúng ta thường thấy loại lá mỏng, tròn, vành lá có hình răng cưa và loại rau má mỡ có lá lớn và thân to hơn. Để tiến hành trồng rau má, bạn cần thực hiện những bước sau:
Chuẩn bị
Đất và dụng cụ trồng rau má
Rau má dễ thích nghi với những điều kiện thổ nhưỡng khác nhau nhưng theo nghiên cứu, rau má sẽ phát triển nhanh và xanh tốt hơn trên đất thịt pha cát, tơi xốp và đất phèn. Bạn nên sử dụng đất sạch, đất mới. Nếu đất vừa trồng xong thì bạn cần phải làm sạch cỏ, dùng vôi rải lên đất, tưới nước, trộn đều và phơi đất để tiêu diệt mầm bệnh.
Trước khi trồng rau má, bạn đừng bỏ qua bước bón lót để cung cấp dinh dưỡng cho đất. Dùng phân hữu cơ ủ hoai, tro trấu hoặc phân đạm, lân, kali để bón.
Với việc trồng rau má tại nhà, nếu bạn có đất vườn thì trồng ra đất (bạn nên lên luống thấp để giúp cây thoát nước). Nếu không có đất, bạn chỉ cần chuẩn bị chậu hoặc thùng xốp lưu ý đục lỗ thoát nước cho dụng cụ trồng.
Giống rau má
Hạt giống rau má có bán sẵn ở các cửa hàng hạt giống và vật tư nông nghiệp. Bạn chỉ cần chọn mua và sử dụng. Lưu ý hạn sử dụng cũng như việc đóng gói bao bì có tốt không để đảm bảo tỷ lệ nảy mầm cao.
Tiến hành gieo hạt
Hạt giống rau má có vỏ mỏng, dễ nảy mầm nên trong quá trình trồng rau má bạn không cần ngâm ủ lỉnh kỉnh. Sau khi làm đất, bạn tưới lớp nước cho ẩm đất, dùng que rạch thẳng hàng rồi gieo hạt giống nhưng đừng gieo quá dày khiến hạt giống khó nảy mầm và sau này cũng khó phát triển.
Lấp 1 lớp đất mỏng lên rồi tưới nước nhẹ nhàng giúp giữ ẩm. Nếu khu vực nhà bạn hay có kiến hoặc côn trùng, bạn hãy dùng Basudin hạt rải lên đất phòng trừ kiến, dế, sâu đất ăn hạt.
Trong 5 ngày đầu, bạn nên phủ rơm rạ hoặc bì carton tránh nắng, tạo điều kiện cho hạt nảy mầm. Khi nhìn thấy những mầm non nhú lên khỏi mặt đất, bạn gỡ bỏ lớp che phủ đi để cây đón ánh nắng.
Kỹ thuật chăm sóc rau má
Sau khi gieo hạt, bạn duy trì việc tưới nước mỗi ngày 2 lần vào buổi sáng sớm và chiều mát. Tưới nước vừa phải để tránh ngập úng cây.
Sau 1 tuần, hạt giống sẽ nảy mầm. Sau khi gieo trồng rau má, nếu bạn thấy chúng lên quá chen chúc, bạn nên tiến hành tỉa bớt để đảm bảo không gian cho rau mọc tươi tốt. Khoảng cách tiêu chuẩn giữa các cây là 15cm.
Việc làm cỏ cho rau má cũng rất quan trọng. Nếu đất có cỏ nhiều, không nhổ tay được thì khi cây được 3 tuần tuổi, bạn dùng các loại thuốc Ronstar 25EC, Canstar 25EC hoặc Bihoxa 25EC để diệt cỏ.
Sau đó bạn nên cung cấp cho đất một đợt phân hữu cơ ủ hoai và cứ 15 ngày bạn lại bón tiếp 1 đợt để cây đủ dinh dưỡng.
Phòng và trị các bệnh phổ biến trên rau má
Đối với rau má trồng tại nhà để sử dụng thường chỉ có 1 vài chậu nên được chăm sóc kỹ thì chúng sẽ không có sâu bệnh nhiều. Nhưng bạn cũng nên biết những loại sâu bệnh hay gây hại cho rau má để khắc phục kịp thời. Bệnh đốm lá hoặc rỉ sắt là phổ biến nhất. Để phòng bệnh bạn nên vệ sinh đất thật kỹ đồng thời cân đối việc bón phân. Nếu rau má xuất hiện bệnh, bạn có thể dùng cà loại thuốc sau để trị: CopperB 75WP, Copper-Zinc 85WP; Mexyl MZ 72WP, Dipomate 80WP, Bayfidan 25EC; Lunasa 25EC; Anvil 5SC
Thu hoạch rau má
Sau khi trồng rau má được 2 tháng, bạn thấy lá rau đã ra kín đất, lá xanh tốt. Đây là lúc bạn thu hoạch được lứa đầu tiên. Bạn dùng dao cắt cọng lá, chừa lại thân và rễ để chúng tiếp tục phát triển những lá mới.
Lưu ý sau mỗi đợt thu hoạch bạn cần phải bón bổ sung phân bón cho rau như phân đạm hoặc NPK rải đều lên rau và tưới nước cho phân tan ngấm dần xuống rễ rau. Và tiếp tục bón thúc cho rau cách nhau từ 10 - 12 ngày để có những lứa rau mới.
Tùy cách chăm sóc của bạn mà chậu rau má sẽ cho thu hoạch nhiều hay ít đợt. Thông thường chúng ta sẽ thu được 8 – 10 đợt. Cây già cỗi, phát triển chậm thì bạn nên nhổ để tiếp tục trồng lứa mới.
Trên đây là tất cả những vấn đề liên quan đến cách trồng rau má tại nhà mà bạn cần trang bị trước khi bắt tay vào thực hiện. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích và bạn sẽ có vài chậu rau má để cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể những người thân yêu trong gia đình mà không cần tốn tiền mua lại không phải lo lắng về độ sạch của rau.
Chúc bạn như ý!