Khi đề cập đến nền nông nghiệp hữu cơ chắc bạn không thể không nhắc đến những loại thuốc trừ sâu sinh học – những chế phẩm dùng để diệt trừ sâu bệnh hại cây trồng nhưng không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Những sản phẩm này được tạo ra từ việc tôn trọng môi trường tự nhiên, tôn trọng sức khỏe con người… Để tìm hiểu kỹ hơn về đặc tính, ưu nhược điểm, cách chế biến và sử dụng chúng như thế nào để đạt hiệu quả, AVi Việt Nam mời bạn cùng đọc bài viết sau đây. Những thông tin này chắc chắn sẽ trang bị thêm kiến thức để bạn có thể trồng rau củ quả hữu cơ tốt hơn nữa.
Thuốc trừ sâu sinh học là gì?
Ngay tên gọi đã chứa 2 chữ “sinh học” nghĩa là chúng có nguồn gốc sinh học, không phải được tạo thành từ những chất hóa học. Hiểu một cách đúng và đầy đủ nhất: Thuốc trừ sâu sinh học là những loại thuốc dùng để diệt trừ sâu bệnh được điều chế từ:
- Các chế phẩm sinh học như các loại vi sinh vật trong tự nhiên (nấm, vi khuẩn, virut);
- Các chất độc hay tinh dầu có trong cây cỏ;
- Các chất kháng sinh do vi sinh vật tiết ra.
Có mấy loại thuốc trừ sâu sinh học?
Hiện nay, thị trường có 2 loại là thuốc trừ sâu vi sinh và thuốc trừ sâu thảo mộc. Chúng được phân biệt như sau:
- Thuốc trừ sâu vi sinh: Được điều chế từ các vi sinh vật như các loại nấm, vi khuẩn, vi rút, các loài động vật nguyên sinh hay các loại tảo biển. Loài vi sinh vật được dùng để chế thuốc phổ biến nhất là chủng khuẩn Bacillus thuringiensis. Chúng có khả năng tạo ra protein gây tổn thương hoạt động sống của côn trùng. Từ đó bảo vệ được cây trồng. Ngoài ra, các loại thuốc trừ sâu vi sinh khác lại được điều chế bằng việc dựa trên sự đấu tranh sinh tồn của vi sinh vật được dùng với các loài gây bệnh hại cây.
- Thuốc trừ sâu thảo mộc: Là những chế phẩm hình thành từ những chất độc có trong cây cỏ hay các loại tinh dầu của thực vật để loại bỏ sâu bệnh.
Nói chung, cho dù được điều chế bằng cách nào thì những loại thuốc này cũng không dựa trên các loại hóa chất gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và môi trường tự nhiên.
Sử dụng thuốc trừ sâu sinh học có những ưu - nhược điểm gì?
Ưu điểm
Như đã đề cập ở trên, những chế phẩm nảy được tạo ra dựa trên sự tôn trong sức khỏe con người và môi trường tự nhiên nên chúng chắc chắn sẽ an toàn cho sức khỏe con người, không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và đặc biệt là cách pha chế vô cùng đơn giản. Chúng ta tìm hiểu lần lượt từng ưu điểm nhé!
An toàn cho sức khỏe con người
Đây là ưu điểm nổi bật nhất khiến chúng trở nên hấp dẫn người tiêu dùng hơn so với các loại thuốc trừ sâu hóa học. Hầu như chúng rất ít hoặc không gây độc hại gì cho người sử dụng.
Ngoài ra, do đặc tính ít độc với người, phân hủy nhanh trong môi trường tự nhiên nên sau khi tiếp xúc với các loại thuốc trừ sâu sinh học, rau củ quả sẽ không có hiện tượng dư lượng thuốc trừ sâu. Từ đó, người sử dụng nông sản sẽ hoàn toàn yên tâm cho sức khỏe.
Tốt cho môi trường tự nhiên
Ngoài bảo vệ sức khỏe con người, các loại thuốc này còn khá thân thiện với môi trường. Chúng không hề gây hại cho các sinh vật có ích trong thiên nhiên. Các loại thuốc trừ sâu này còn giúp cân bằng sinh học (là sự cân bằng giữa thiên địch và sâu hại). Từ đó hạn chế sự bùng phát sâu bệnh trên cây trồng.
Nguyên liệu có sẵn và cách chế biến đơn giản
Với thành phần từ vi sinh vật hay thực vật – những nguồn nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên và vô cùng phổ biến.
Bên cạnh những loại thuốc được điều chế với quy mô công nghiệp thì cũng có nhiều loại được chế biến thô sơ đơ giản mà vẫn đảm bảo tính hiệu quả.
Nhược điểm
Do độc tính không cao nên một số loại thuốc trừ sâu sinh học có tác dụng tương đối chậm so với cácc loại thuốc hóa học tương ứng.
Ngoài ra, cách bảo quản thuốc cũng yêu cầu những điều kiện chặt chẽ.
Tuy nhiên, đây chỉ là những nhược điểm nhỏ bạn không cần quan tâm nhiều. Quan trọng là sử dụng chúng bạn sẽ có rau sạch sử dụng và môi trường được đảm bảo.
Cách tự điều chế thuốc trừ sâu sinh học
Ngoài việc sử dụng những loại thuốc được pha chế sẵn và bán trên thị trường, bạn cũng có thể tự mình điều chế thuốc theo những cách sau đây:
Thuốc sinh học từ tỏi, ớt, gừng và rượu
Đây là loại thuốc diệt trừ sâu khoang, sâu tơ, bọ nhảy.
Nguyên liệu như đã nói ở trên với liều lượng như sau: 1kg tỏi, 1kg gừng, 1kg ớt và 3 lít rượu.
Các bước thực hiện như sau:
- Sơ chế nguyên liệu bằng cách giã nát gừng, tỏi và ớt. Bạn có thể nhờ sự trợ giúp của máy xay. Nhưng cần cân nhắc trước khi dùng vì những nguyên liệu này dễ gây ám mùi ảnh hưởng đến món sinh tố cho cả nhà đấy.
- Cho tất cả vào hũ. Sau đó, đổ rượu vào rồi đậy nắp thật kín.
- Đặt hũ rượu nơi râm mát, thoáng khí.
- Dung dịch sau khi ngâm 15 ngày sẽ là một hoạt chất cay nóng có khả năng diệt trừ sâu bệnh.
- Dung dịch này có thể sử dụng nhiều lần trong khoảng 5 tháng. Sau khi dùng nhớ bịt thật kín miệng hũ ngâm.
Khi sử dụng, bạn chỉ cần pha loãng 200ml rượu gừng tỏi ớt vừa ngâm với 12lít nước rồi cho vào bình xịt phun lên cây.
Nhớ phun đều và hướng theo chiều gió để nếu lỡ sâu không gặp thuốc thì chúng cũng bị mùi gây khó chịu. Hơn nữa, việc này hạn chế dung dịch bám dính vào người.
Thuốc trừ sâu sinh học từ củ tỏi
Đây là chế phẩm diệt nấm, côn trùng và giúp bạn phòng ngừa cũng như kiểm soát sâu bệnh. Cụ thể là rệp, kiến, mối, ruồi trắng, bọ cánh cứng, sâu đục thân, sâu bướm, ốc sên…
Cách điều chế khá đơn giản như sau:
- Bóc vỏ rồi giã nhuyễn 2 – 3 củ tỏi tùy vào diện tích sâu bệnh.
- Pha tỏi với 2 bát nước sạch.
- Đặt chậu ngâm nơi râm mát.
- Sau 1 ngày là có thể sử dụng. Nên pha nước cốt này với 4 lít nước và phun lên cây trồng.
Thuốc trừ sâu sinh học làm từ vỏ trứng
Ngoài việc dùng làm phân bón vì giàu canxi, vỏ trứng còn được sử dụng để loại bỏ sâu mềm và diệt ốc sên.
Cách làm cực kỳ đơn giản. Bạn chỉ cần nghiền nát vỏ trứng sau đó rắc xung quanh gốc cây. Cách này bạn có thể vài tuần thực hiện 1 lần để ngăn chặn sự tấn công của ốc sên cũng như các loại sâu mềm.
Thuốc diệt sâu bệnh từ hành tăm
Đây là cách ngăn chặn sự phát triển của nấm bệnh và xua đuổi sâu khi chúng mới vừa lăm le đến những cây trồng của bạn.
Bạn chỉ cần chuẩn bị 100 gam hành tăm, giã nát rồi hòa chung với nước sạch. Sau đó ủ kín dung dịch trong khoảng 7 ngày rồi phun lên cây trồng.
Thuốc sinh học từ ớt
Ớt có tính cay nóng nên có khả năng đánh bật côn trùng, phòng nấm và các loại vi khuẩn gây bệnh trên hoa màu.
Chỉ cần xay hoặc giã nát 100 gam ớt cay rồi sau đó pha với 1 lít nước sạch. Đậy kín dung dịch ngâm trong 1 ngày. Khi dùng, bạn lọc lấy nước cốt rồi pha với 5 lít nước và ít xà phòng rồi tiến hành phun.
Việc sử dụng xà phòng sẽ làm tăng độ bám dính của thuốc lên lá cây giúp hỗ trợ việc tiêu diệt sâu bệnh nhanh chóng hiệu quả hơn.
Một số loại thuốc trừ sâu sinh học khác
Ngoài những cách trên, AVi Việt Nam còn giới thiệu đến bạn một số chế phẩm hiệu quả sau:
- Nước rửa chén và bột thực vật: Chỉ cần pha 1 lít nước sạch với 1ml (1cc) nước rửa chén bất kỳ kèm theo bột tỏi hoặc bột ớt để tăng khả năng diệt rầy, rệp, muỗi, nhện hại rau.
- Sử dụng lá cà chua: Do chứa nhiều alkaloids – một trong những hoạt chất có khả năng tiêu diệt rệp mè, bướm đêm, rầy, bù lạch… tấn côn các loại rau thơm. Bạn chỉ cần nghiền 2 chén lá cà chua rồi ngâm với 2 ly nước trong khoảng 24 tiếng rồi lọc lấy nước cốt rồi pha thêm với 2 ly nước nữa. Sau đó phun lên cây vùng bị sâu bệnh và cả những vùng lân cận để phòng trừ.
- Bạn cũng có thể dùng thuốc lá làm thuốc trừ sâu sinh học. Chỉ cần ngâm 1kg lá cây thuốc lá với 20 – 40 lít nước sạch trong vòng 1 ngày rồi nghiền nhuyễn hỗn hợp trên sau đó lọc bỏ bã rồi phun. Đây là cách dùng để tiêu diệt bọ trĩ, sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ, bọ xít dài…các loài rệptrên cây ngô, cây đậu tương, sâu khoang, sâu ba ba trên cây rau muống; sâu khoang trên cây táo; nhện đỏ trên cây cam, chanh…
Làm sao để nhận biết các loại thực vật có khả năng diệt sâu bệnh?
Bạn có thể căn cứ vào đặc điểm của các loại thực vật để nhận biết. Cụ thể:
- Căn cứ vào mùi đặc trưng: Đa số những cây có mùi vị cay nồng, mùi hắc khó chịu đều có chứa độc tố khiến các loại sâu bọ không thấy thoải mái dễ chết ngạt hoặc bỏ đi. Điển hình như cây thuốc lá, vỏ cây xoan, cây cà độc dược…
- Căn cứ vào nhựa và các chất dịch tiết ra từ cây: Những loại nhựa cây có mùi nồng, khi lỡ tay đụng vào dễ khiến da tổn thương, dị ứng hay nổi mẩn thì chắc chắn có độc tố gây hại sâu bệnh.
- Ngoài ra, có 1 cách khá thú vị là căn cứ vào chính những loài động vật bé nhỏ như nhện hay kiến. Nếu chúng tìm cách tránh xa, không tiếp xúc cũng như không gây hại gì đến loại cây trồng nào đó thì nhất định đó là cây chứa độc tố không tốt cho sâu bệnh.
Lưu ý khi sử dụng thuốc trừ sâu sinh học
Trong quá trình sử dụng thuốc, bạn cần lưu ý những điểm sau:
- Ngay khi sâu còn non, khả năng chống chọi thuốc diệt trừ còn yếu, bạn nên sử dụng thuốc ngay để đạt hiệu quả cao nhất.
- Tuy nhiên, bạn không nên quá lạm dụng thuốc. Chỉ sử dụng thuốc khi các loại sâu phá hại gây giảm năng suất cây trồng. Nhưng đừng đợi quá muộn mới phun thuốc.
- Đừng tự pha chế thêm ngoài công thức để không phản tác dụng.
- Khi phun thuốc, bạn không nên chủ quan mà không dùng găng tay, mắt kính, khẩu trang và mặc quần áo dài để thuốc không tiếp xúc với các bộ phận trên cơ thể.
- Chọn thời điểm thích hợp để phun thuốc. Tốt nhất là khi râm mát, không nắng cũng không mưa.
Tóm lại, thuốc trừ sâu sinh học là những chế phẩm từ sinh học nhằm tiêu diệt hoặc ngăn chặn sự phá hại của sâu bệnh gây ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Chúng đặc biệt hơn hẳn so với các loại thuốc hóa học ở khả năng giữ an toàn cho sức khỏe con người (cả người sử dụng thuốc và người sử dụng sản phẩm nông nghiệp) và thân thiện với môi trường, giúp đảm bảo cân bằng sinh học. Là người trồng rau sạch và yêu quý cuộc sống này, bạn nên thay đổi thói quen dùng thuốc hóa học để diệt sâu bệnh. Thay vào đó là dùng thuốc được điều chế bằng những nguyên vật liệu sẵn có này để giữ gìn sức khỏe của chính mình và những người thân yêu nhé!
Chúc bạn luôn khỏe mạnh và hạnh phúc!