Nước dâu tằm chua chua ngọt ngọt khá ngon, bạn đã thử chưa? Nếu bạn muốn tìm hiểu về công dụng của cây dâu tằm để biết mình có dùng được chúng không thì đây là bài viết dành cho bạn đấy! Thông qua bài viết, AVi Việt Nam sẽ gửi đến bạn những kiến thức quan trọng về cách trồng – chăm sóc, những công dụng của loài cây này, ai nên dùng, ai tuyệt đối không nên? Ngoài ra, qua bài viết này, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn nước dâu bồi bổ cơ thể nhé!
Về cây Dâu Tằm
Người ta còn biết đến loài cây này với nhiều tên goi khác như: Mạy Môn, Tầm Tang, Dâu Trắng (White Mulberry). Cây Dâu Tằm có tên khoa học là Morus alba L. Morus acidosa, họ Dâu, Moraceae. Theo nhiều nghiên cứu thì có đến 24 loại dâu tằm khác nhau nhưng phổ biến nhất là ba loại đen, đỏ và trắng.
Loại cây này là nguồn sống của con tằm mà nhiều vùng người ta nuôi để lấy tơ dệt lụa. Chúng được trồng nhiều ở Châu Á và Bắc Mỹ.
Thông thường, khi nuôi tằm, người ta chỉ dùng đến lá. Nhưng đây là một loài cây đặc biệt, cả lá, thân, quả và rễ của chúng đều được sử dụng để làm thuốc.
Trong Đông y:
- Lá dâu gọi là Tang Diệp
- Quả dâu gọi là Tang Thầm (đây là bộ phận giàu dinh dưỡng và được dùng làm dược liệu nhiều nhất)
- Rễ dâu gọi là Tang Bạch
- Ngoài ra, những loại cây sống bám trên thân dâu gọi là Tang ký sinh, tổ bọ ngựa trên cây dâu gọi là Tang tiêu phiêu.
Cây Dâu Tằm có tác dụng gì?
Chính vì tất cả các bộ phận của cây đều làm thuốc nên người ta gọi đây là “tiên dược”. Công dụng của từng bộ phận như sau:
Lá dâu
Có thể chữa ho, đau họng, nhức đầu, cảm, phát ban rất hiệu quả. Những người mắc chứng đau mắt đỏ, chảy nước mắt, ra mồ hôi trộm hay huyết áp cao cũng nên dùng lá dâu.
Thông thường, bạn có thể dùng từ 4 – 12gam lá sắc thuốc uống.
Cành dâu
Là dược liệu trị chứng phong tê thấp hay chân tay co quắp.
Mỗi ngày bạn nên sắc khoảng 20 – 40 gam để uống.
Vỏ rễ dâu
Sắc vỏ rễ của cây dâu tằm uống hàng ngày sẽ trị ho (cả chứng ho ra máu), phù thủng hay đi tiểu ít.
Quả dâu
Như đã nói trên, đây là bộ phận hữu dụng nhất của cây dâu trong y học. Người ta phát hiện rằng đây là loại quả giàu chất xơ tự nhiên, chất chống oxy hóa, polyphenol, vitamin A, vitamin C,... Chính vì vậy chúng có những công dụng sau:
- Kích thích hệ tiêu hóa, giảm chứng đầy hơi, co thắt thành ruột và đặc biệt là phòng trị táo bón ở cả người lớn và trẻ nhỏ.
- Ổn định đường huyết, giảm mỡ máu, tránh nguy cơ thừa cân, béo phì và tiểu đường.
- Các polyphenol đặc biệt là chất resveratrol trong quả cây dâu tằm còn là chất chống oxy hóa cực mạnh rất có lợi cho hệ tim. Nhờ chúng mà những chứng như đông máu, xơ vữa động mạch, huyết áp không ổn định, nhồi máu cơ tim và đặc biệt là nguy cơ đột quỵ được hạn chế tối đa.
- Ngoài ra, dùng nước quả dâu tằm thường xuyên còn giúp bạn tăng đề kháng, hỗ trợ miễn dịch, ngăn chặn những bệnh cúm hoặc cảm theo mùa và chống stress, làm chậm quá trình lão hóa và giảm nguy cơ ung thư.
Những bộ phận sống ký sinh trên cây dâu
Có thể bạn cảm thấy lạ nhưng thực tế, những dây tầm gửi hay các tổ bọ ngựa sống ký sinh trên thân dâu lại có tác dụng rất tốt trong việc chữa bệnh. Trong khi đó, cũng những loại này nhưng sống nhờ vào loại cây khác thì không có tác dụng trị bệnh. Cụ thể:
- Tầm gửi cây dâu được xem là thần dược trị những bệnh về khớp như phong thấp, tê bại, mỏi gối hay đau lưng. Chúng còn được dùng cho những phụ nữ bị động thai hoặc trị chứng đau bụng.
- Tổ bọ ngựa trên cây dâu tằm được sử dụng như một loại thuốc chữa hư lao, đổ mồ hôi trộm, di tinh, bạch đới, đái đục, đi tiểu không kiểm soát.
Những người nên dùng cây dâu tằm
Với những công dụng kể trên, đây là loài cây tốt cho sức khỏe mọi người. Đặc biệt là những người muốn nâng cao sức đề kháng, muốn đẹp da, đẹp tóc, những người hay mất ngủ, người bị chứng thận hư, thận yếu, phù thủng, huyết áp cao, tiểu đường, ho, táo bón. Ngoài ra, chúng cực cần thiết cho người đau khớp, người cao tuổi và cả những người yếu sinh lý.
Những người không nên dùng cây dâu tằm
Chúng khá nhiều công dụng nhưng bên cạnh khả năng trị bệnh 1 số bộ phận lại có tác dụng phụ. Do vậy, một số người lại tuyệt đối không nên dùng cây dâu tằm để điều trị. Cụ thể như sau:
- Những người cơ thể không khỏe hoặc bị ho do nhiễm lạnh, ho không có đờm và kèm theo nóng sốt thì không nên dùng vỏ rễ dâu.
- Người đi cầu lỏng mà không rõ nguyên nhân thì không nên dùng quả dâu.
- Những người bị thận, tiết niệu, bàng quang hay mộng tinh thì nên tránh dùng tổ bọ ngựa trên cây dâu.
- Phụ nữ có thai cũng không nên dùng những bộ phận rễ, thân, lá và quả của cây dâu tằm.
Trước khi muốn sử dụng những bài thuốc nào bạn cũng cần tham khảo ý kiến của bác sỹ hoặc những người có chuyên môn để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Cách trồng cây dâu tằm
Đây là một loại cây dài ngày dễ trồng dễ chăm sóc. Do chúng có nhiều công dụng nên những nhà không nuôi tằm cũng thường trồng vài cây dâu trong vườn để khi cần là có để dùng ngay mà không mất công tìm kiếm. Để trồng cây, bạn hãy tiến hành như sau:
Chuẩn bị giống
Bạn có thể chọn 1 trong 2 cách nhân giống cây dâu tằm bằng cách giâm cành hoặc gieo hạt. Thực tế phương pháp giâm cành được lựa chọn nhiều hơn bởi rút ngắn thời gian cũng như công sức chăm sóc, cây nhanh cho quả.
Cành giâm phải được lựa chọn kỹ để chất lượng cây tốt nhất. Bạn nên chọn những cành trên 8 tháng tuổi, khỏe mạnh, không sâu bệnh, phải có ít nhất 2 mắt, đường kính lớn hơn 0,5cm. Mỗi đoạn cành giâm khoảng 18 – 20cm, bạn nên chặt cách mắt 0,5 – 1cm.
Đất và dụng cụ trồng
Nếu nhà có vườn thì bạn có thể trồng cây ra ngoài đất để chúng phát triển khỏe mạnh. Nếu là nhà phố, bạn có thể tận dụng thùng xốp, bao xi măng hoặc chậu sâu lòng để trồng cây. Lưu ý dụng cụ trồng và nơi trồng cây phải thoát nước tốt.
Đất trồng cây dâu tằm nên giàu dinh dưỡng, nhiều mùn và không úng ngập. Bạn nên trộn đất với phân hữu cơ, phân trùn quế, xơ dừa, than bùn và mùn hữu cơ. Trước khi trồng 7 – 10 ngày, bạn nên bón vôi vào đất và phơi ải để xử lý mầm bệnh.
Tiến hành trồng
Bạn chuẩn bị hố trồng kích thước 40 x 40 x 40cm. Cho đất đã trộn phân vào hố rồi cắm cành giâm vào.
Sau đó bạn tưới nước nhẹ nhàng để cấp ẩm cho cây rồi chăm sóc đến khi chúng đâm chồi và phát triển rễ.
Kỹ thuật chăm sóc
Trong quá trình chăm sóc cây, bạn nên lưu ý những yếu tố sau:
Tưới nước
Bạn nên tưới nước thường xuyên để cây đủ nước. Tùy theo tình hình thời tiết mà bạn tưới lượng nước phù hợp.
Bón phân
Sau khi trồng cây 2 – 3 tuần, bạn tiến hành bón phân hữu cơ, các loại phân chuồng ủ hoai cho cây để tăng dinh dưỡng.
Định kỳ 1 – 2 tháng bạn bón tiếp 1 đợt phân cho cây.
Khi bón phân, bạn nên kết hợp với việc xới xáo gốc và dọn sạch cỏ để thông thoáng gốc cây dâu tằm.
Tỉa cành
Trong quá trình cây phát triển, nếu bạn không muốn chúng cao thì chỉ cần dùng kéo bấm cành thật bén để bấm cành. Từ đó chúng sẽ nhảy nhánh hoặc tiếp tục lên mầm mới.
Những lá khô héo, sâu bệnh, già úa bạn nên tỉa bỏ thường xuyên.
Phòng trừ sâu bệnh
Cây dâu tằm ít bị sâu bệnh. Thỉnh thoảng chúng cũng bị những bệnh như cháy lá, gỉ sắt, đốm lá, bạc thau hay bệnh xoăn lá làm ảnh hưởng đến năng suất lá và quả.
Ngoài ra, những loại sâu hay tấn công cây dâu là sâu đục thân, sâu cuốn lá, sâu đo, sâu róm và các loại rệp.
Bạn nên theo dõi, phát hiện sớm và dùng thuốc diệt trừ sâu bệnh kịp thời.
Đối với trồng dâu nuôi tằm thì bạn nên canh thời gian phun thuốc và thu hái lá để không ảnh hưởng đến tằm (thường là cách nhau15 – 20 ngày). Nếu trồng dâu để hái lá và quả làm thuốc thì bạn nên sử dụng các loại thuốc trừ sâu sinh học để an toàn cho sức khỏe gia đình.
Thu hoạch
Quả dâu khi mới ra có màu xanh, sau chuyển sang vàng, đỏ rồi khi chín chúng có màu tím đen. Bạn nên thu hoạch khi quả chuyển màu đỏ hoặc tím.
Hướng dẫn cách làm siro và rượu dâu tằm
Nguyên liệu gồm
- 1 kg quả dâu tằm. Bạn nên chọn quả dâu đủ độ chín, không dập nát, hư hỏng để chất lượng nước đạt chuẩn.
- 500gram đường. Có thể chọn đường phèn hay đường cát tùy sở thích.
- 1 lọ thủy tinh để ngâm. Rửa lọ thật sạch rồi để ráo nước.
Cách làm
- Sơ chế quả dâu bằng cách bỏ cuống, rửa nhẹ nhàng sau đó vớt dâu ra rổ thưa để ráo nước.
- Nấu nước sôi, để hạ nhiệt xuống 1 tý đến tầm 80 độ C rồi dội qua rổ dâu để ngâm lâu không bị nổi váng.
- Cho 1 lớp đường vào đáy lọ, cho tiếp 1 lớp dâu. Đều đặn như vậy cho đến khi hết dâu. Lớp trên cùng là lớp đường nhé! Đậy nắp, đặt nơi khô ráo thoáng mát.
- Sau 7 ngày bạn đem lọ dâu ra lọc qua rây. Sau đó nấu sôi 15 phút, để nguội rồi cho vào lọ bảo quản lâu hơn.
- Bạn có thể tận dụng bã dâu để ngâm rượu. Đổ rượu vào bã dâu vài ngày là có rượu dâu để uống rồi đấy!
Trên đây là tất cả những công dụng, cách trồng và chăm sóc cây dâu tằm. Chúng thực sự có ích nhưng nếu bạn rơi vào trường hợp không nên dùng thì tuyệt đối kiêng cử để không để lại ảnh hưởng xấu cho sức khỏe nhé! Cách làm siro dâu tằm và rượu dâu cũng không khó, bạn có thể tự làm tại nhà cho cả nhà thưởng thức nha! Chúng vừa ngon lại vừa bổ dưỡng. AVi hy vọng những kiến thức này hữu ích đối với bạn.
Chúc bạn luôn khỏe mạnh và thành công!