Cách trồng dưa lưới năng suất cao

Bạn đang tìm hiểu cách trồng dưa lưới tại nhà bởi vì thích hương vị của chúng nhưng ngại mua dưa lưới bên ngoài vì lăn tăn vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm? Đây là bài viết dành cho bạn. Hay bạn đang muốn dùng loại quả thơm ngon này để phát triển kinh tế gia đình? Vậy thì bạn đừng rời đi, bằng bài viết này Avi Việt Nam sẽ cung cấp cho bạn tất cả những kỹ thuật cần thiết từ khâu chuẩn bị, gieo trồng, chăm sóc cho đến thu hoạch dưa lưới. Ngoài ra, chúng tôi còn giới thiệu cho bạn một hình thức mới đó là trồng theo phương phám thủy canh cũng mang khá nhiều ưu điểm mà bạn cũng nên tìm hiểu đấy. Hãy cùng đọc kỹ để tiến hành hiệu quả nhé!

Dưa lưới vừa ngon ngọt vừa bổ dưỡng
Dưa lưới vừa ngon ngọt vừa bổ dưỡng

Dưa lưới thích hợp với thời tiết ấm áp, khô ráo, đủ ánh sáng nên chúng được trồng vào mùa nắng nóng (từ tháng 2 đến tháng 9 âm lịch hàng năm). Để cây phát triển và cho quả ngon, năng suất cao và không bị sâu bệnh thì bạn đừng trồng vào mùa mưa lạnh nhé! Để việc trồng dưa lưới được tiến hành hiệu quả, bạn hãy tiến hành từng bước theo quy trình sau:

Chuẩn bị trồng dưa lưới

Dưa lưới ưa sáng và cần đủ ánh nắng nên bạn hãy chuẩn bị một vị trí trồng dưa đáp ứng yêu cầu này để cây không bị còi cọc, kém phát triển nhé! Ngoài ra, tùy theo nhu cầu và mục đích sử dụng mà bạn nên chọn loại dưa lưới phù hợp bởi có khá nhiều loại dưa lưới.

Cũng như những loại cây trồng khác, bạn cũng cần chuẩn bị đất trồng và dụng cụ trồng như sau:

Chuẩn bị đất trồng

Dưa lưới phù hợp với loại đất phù sa màu mỡ, đất cát pha và đất thịt nhẹ. Ngoài ra dưa lưới cần loại đất tơi xốp, thoát nước tốt, độ ẩm trong đất phải duy trì ở tầm 75 – 80%. Bạn lưu ý những đặc tính này để chuẩn bị đất phù hợp.

Nếu trồng dưa lưới trên ruộng hoặc trồng ở đất vườn thì bạn nên cung cấp đủ dinh dưỡng cho đất. Không nên trồng nhiều vụ dưa liên tiếp nhau ở cùng một nơi để đất không bị thiếu hụt dinh dưỡng mà lại chứa những mầm bệnh tiềm ẩn.

Trường hợp phải trồng lại trên đất cũ, bạn nên dọn sach thân cây cũ, rác, cỏ,… Rải vôi sát khuẩn, làm sạch sâu, nhộng và ấu trùng. Trước khi trồng, bạn dùng phân hữu cơ ủ hoai để bón lót cho đất. Nếu đất kém tơi xốp, bạn dùng thêm tro trấu trộn vào đất để đất thoáng khí hơn.

Nếu trồng trong thùng xốp, số lượng ít thì bạn có thể dùng xỉ than tổ ong trộn với đất và trấu để làm cho đất tơi xốp, thoáng khí. Tỷ lệ tiêu chuẩn : 4 phần đất : 4 phần xỉ than : 3 phần trấu. Sau đó bạn cũng bón lót bằng phân hữu cơ ủ hoai mục.

Đối với phương pháp trồng thủy canh thì bạn không cần chuẩn bị đất trồng (rễ dưa sẽ phát triển và lấy dinh dưỡng trong môi trường nước). Thay vào đó bạn cần chuẩn bị dung dịch dinh dưỡng thủy canh.

Trộn đất trồng dưa lưới
Trộn đất trồng dưa lưới

Chuẩn bị chậu hay đất trồng

Rễ dưa lưới phát triển rất mạnh để lấy dinh dưỡng nuôi cả giàn. Do đó, không gian phát triển rễ phải đủ rộng. Nếu trồng ngoài đất thì bạn không cần lo lắng vấn đề này. Nếu trồng trong thùng xốp hay chậu cây thì thùng hoặc chậu phải đủ rộng và sâu.

Ngoài ra dụng cụ trồng dưa lưới phải được đục lỗ thoát nước và giúp đất trao đổi khí oxy.

Có một cách khá hay giúp ích cho việc này là bạn đặt những vỏ chai nước suối hay nước ngọt nằm ngang dưới đáy thùng. Bạn dùng những chai nước suối đục lỗ và đậy nắp để chứa nước và cung cấp cho cây vào những ngày quá nắng nóng. Sử dụng thêm khoảng 3 chai nước suối đục lỗ, mở nắp và đục lỗ bên thân thùng xốp (cách đáy 10cm) rồi đưa cổ chai ra ngoài làm nhiệm vụ thông khí và thoát nước khi bạn lỡ tưới quá nhiều nước.

Nếu chọn phương pháp trồng dưa lưới thủy canh thì bạn chỉ cần chuẩn bị thùng xốp hoặc thùng nhựa có thể tích lớn. Bạn không cần đục lỗ nhé! Ngoài ra, bạn hãy chuẩn bị những chiếc rọ trộng hoặc tận dụng ly nước nhựa để làm rọ trồng (bạn dùng dao xẻ những đường rãnh trên ly để ly vừa giữ được bầu gốc cây mà vừa dễ dàng đâm rễ ra ngoài lấy dinh dưỡng là được.)

Dùng chai nước suối bỏ dưới đáy thùng xốp
Dùng chai nước suối bỏ dưới đáy thùng xốp

Ngâm ủ và gieo hạt giống

Việc ngâm ủ hạt giống sẽ thúc đẩy quá trình nảy mầm của cây. Bạn dùng nước ấm 40 – 500C ngâm hạt giống trong khoảng 5 tiếng. Sau đó vớt hạt giống ra, rửa sạch rồi ủ trong một chiếc khăn ấm sạch. Mỗi ngày bạn nên cấp ẩm cho hạt bằng cách nhúng khăn vào nước ấm. Đợi đến khi nứt hạt là bạn đem đi gieo.

Để việc gieo hạt giống dưa lưới được dễ dàng, bạn nên dùng viên nén xơ dừa để ươm hạt hoặc bạn cũng có thể tự làm những bầu ươm bằng đất đã chuẩn bị.

Tra hạt vào bầu ươm sau đó phủ một lớp đất mỏng và tưới nước. Mang bầu ươm đặt ở nơi râm mát tránh ánh nắng trực tiếp.

Khoảng 3 ngày sau, hạt giống nảy mầm. Bạn cứ để yên như vậy, mỗi ngày bạn dùng vòi phun sương để tưới nước cho cây con phát triển.

Sau khi ươm hạt được 10 – 12 ngày, cây đã cho ra 2 lá chính. Lúc này bạn đã có thể chuyển cây ra chậu trồng.

Bạn chọn hình thức trồng nguyên một ruộng dưa lưới, trồng vài cây bằng thùng xốp hay trồng thủy canh thì các bước ngâm ủ hạt giống và gieo hạt cũng được tiến hành như trên. Tiếp theo, tùy vào mô hình mà bạn chon cách trồng và chăm sóc phù hợp.

Ươm hạt giống dưa lưới
Ươm hạt giống dưa lưới

Kỹ thuật trồng và chăm sóc dưa lưới bằng đất

Trồng dưa lưới trong thùng xốp hoặc trên đất

Sau khi đã hạt giống đã phát triển lên 2 lá thật, bạn đưa bầu ươm xuống đất. Nếu dùng bầu ươm tự làm bằng bịch nilong thì bạn nhớ cắt bỏ bịch để rễ phát triển. Nếu dùng viên nén xơ dừa thì bạn bỏ qua thao tác này vì vỏ viên nén sẽ tan trong đất và cung cấp dinh dưỡng cho cây.

Các thao tác phải thật nhẹ nhàng để tránh làm đứt rễ. Trồng cây dưa lưới vào đất xong bạn dùng tay nén chặt gốc cây để cố định cây. Sau đó tưới đẫm nước.

Nếu bạn trồng ngoài đất, hãy đảm bảo mật độ gieo trồng. Cây cách cây 0,5m, hàng cách hàng từ 1,8 đến 2m để cây có không gian phát triển. Để hạn chế cỏ dại bạn nên dùng màng phủ nilong để phủ kín đất.

Việc trồng cây nên được tiến hành vào buổi sáng sớm, khi chiều mát hoặc vào những ngày mát mẻ.

Trồng dưa lưới tại nhà
Trồng dưa lưới tại nhà

Chăm sóc

Mỗi ngày bạn tưới nước cho dưa lưới 2 lần.

Khi cây được 3 lá thật bạn hãy bón phân đạm cho cây. Pha 1/3 chén phân đạm với 7 – 8 lít nước rồi cách ngày lại tưới cho cây.

Bấm ngọn cây ngay khi cây được 5 – 6 lá và khi cây được 15 – 16 lá. Việc bấm ngọn giúp cây phát triển những nhánh nhỏ và tập trung dinh dưỡng nuôi hoa quả.

Tiếp tục bón phân cho cây khi cây chuẩn bị ra hoa và kết quả. Bạn dùng thêm phân NPK để bón cho cây. Khi cây đậu trái non hãy tăng phân lân lên.

Bạn hãy chủ động thụ phấn cho cây nếu không có ong bướm hỗ trợ. Việc thụ phấn nên tiến hành vào buổi sáng sớm (trước 8h sáng). Sau khi thụ phấn, bạn dùng túi buộc lại để đề phòng ong châm.

Giai đoạn nuôi quả, bạn hãy chăm sóc thật kỹ. Mỗi dây dưa bạn chỉ để lại 1 đến 2 quả và cần 25 lá nuôi quả, còn lại hãy ngắt bỏ. Bạn nên ngắt phần ngọn và những lá già úa và cả những nhánh phụ.

Nếu trồng dưa lưới tại nhà bạn nên là giàn cho cây. Khi cây được 5 – 6 lá thật, bạn hãy làm giàn chắc chắn cho dây leo lên. Nếu nhà có ban công, bạn có thể tận dụng hàng rào ban công để dây lên lên đó. Việc này ảnh hưởng đến năng suất dưa bạn trồng nên đừng làm qua loa nhé.

Dưa lưới leo giàn
Dưa lưới leo giàn

Trồng và chăm sóc dưa lưới thủy canh

Cách trồng dưa lưới thủy canh

Nếu chọn trồng theo mô hình thủy canh, bạn nên ươm hạt bằng viên nén xơ dừa. Sau khi ươm, cây ra được 3 lá thật, bạn bỏ bầu ươm vào rọ trồng đã chuẩn bị và đặt vào chậu thủy canh.

Hàng ngày bạn tưới dung dịch thủy canh để cung cấp dinh dưỡng cho cây. Dinh dưỡng thủy canh giúp cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cây. Tùy theo giai đoạn phát triển của cây mà bạn dùng lượng dung dịch phù hợp.

Bạn cũng làm dàn và cắt tỉa thường xuyên như cách trên.

Trước khi thu hoạch 1 tuần bạn cung cấp thêm phân Kali vào chậu dinh dưỡng cho cây nuôi trái.

Chuẩn bị cho cây dưa con vào rọ trồng thủy canh
Chuẩn bị cho cây dưa con vào rọ trồng thủy canh

Thu hoạch dưa lưới

Nếu áp dụng đúng theo cách trồng dưa lưới nói trên thì sau tầm 3 tháng bạn sẽ thu hoạch. Lúc này trái chuyển thành màu trắng ngà hoặc màu vàng, xuất hiện những gân lưới màu trắng và cuống dưa sẽ xuất hiện những vết nứt xung quanh.

Trước khi thu hoạch khoảng 1 tuần, bạn nên ngưng tưới nước để trái ngọt hơn. Thêm một mẹo để dưa lưới sẽ có vị ngọt đậm hơn là sau khi hái bạn để 2 – 3 ngày rồi mới dùng.

Dưa lưới sắp thu hoạch
Dưa lưới sắp thu hoạch

Trên đây là những kiến thức liên quan đến cách trồng dưa lưới và cả kỹ thuật chăm sóc dưa lưới theo 2 mô hình thủy canh và thổ canh. Tùy theo điều kiện cũng như nhu cầu gia đình mà bạn lựa chọn hình thức phù hợp.

Chúc bạn thu được những quả dưa lưới ngon ngọt do chính tay mình trồng!

 

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!



Bài khác cùng chuyên mục Cây Ngắn Ngày

Cách trồng cà rốt tại nhà bằng đầu củ và hạt siêu đơn giản

Cách trồng cà rốt tại nhà bằng đầu củ và hạt siêu đơn giản

Ngày đăng: 29-05-2020

Cà rốt được biết đến như một loại vitamin làm đẹp da rất tuyệt vời nên rất được lòng chị em phụ nữ. Cách trồng cà rốt lại cực kỳ đơn giản. Bạn muốn thử không? Avi Việt Nam sẽ hướng dẫn bạn 2 cách: trồng bằng đầu củ và bằng hạt. Chắc chắn bạn sẽ làm được.

Cách trồng ớt siêu dễ tại nhà cho trái quanh năm

Cách trồng ớt siêu dễ tại nhà cho trái quanh năm

Ngày đăng: 29-05-2020

Từ lâu quả ớt đã trở thành một loại gia vị quen thuộc trong mỗi bữa ăn gia đình người Việt. Để thuận tiện cho việc chế biến cũng như ăn kèm với bữa ăn, chắc chắn bạn cũng muốn tự trồng ớt ngay tại nhà đúng không? Đây là bài viết dành cho bạn.

Cách trồng dưa hấu tại nhà rất đơn giản

Cách trồng dưa hấu tại nhà rất đơn giản

Ngày đăng: 29-05-2020

Dưa hấu chứa nhiều nước nên thường dùng để giải khát mùa hè. Nên được nhiều người ưa thích nhưng mua dưa hấu trên thị trường bạn lại lo lắng vấn để vệ sinh. Vậy bạn có muốn tự trồng dưa hấu tại nhà không? Cũng tìm hiểu cách trồng ở bài viết này nhé!

Ẩn