“Ăn cà rốt cho đẹp da” là câu nói mà từ trẻ nhỏ cho tới người già đều biết mỗi khi nhắc đến loại củ này. Cà rốt còn chứa nhiều vitamin tốt cho sức khỏe tim mạch nữa nên nó càng được ưa chuộng. Bạn có muốn tự học cách trồng cà rốt bằng đầu củ và bằng hạt không? Điều này siêu đơn giản, chẳng có gì khó khăn đâu. Bạn muốn biết thì hãy theo dõi bài viết này nhé! Nó chứa đầy đủ thông tin từ những gì cần chuẩn bị, trồng như thế nào, chăm sóc ra làm sao, phòng trừ sâu bệnh và cả khi nào thì thu hoạch được. Sau bài viết, chắn chăn bạn sẽ có thể tự trồng được những củ cà rốt đáng yêu đấy.
Ở Việt Nam, cà rốt được trồng nhiều nhất ở khu vực Đà Lạt (Lâm Đồng) vì đây là loại củ ưa thời tiết mát mẻ. Thời điểm thích hợp để trồng cà rốt là từ tháng 7 đến tháng 2 năm sau. Thời gian sinh trưởng phát triển tiêu chuẩn rất ngắn - nếu được trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật thì chỉ sau 3 tháng là bạn có thể thu hoạch. Thời gian thu hoạch còn được rút ngắn lại nếu bạn trồng bằng đầu củ.
Trước khi trồng cà rốt bạn cần chuẩn bị những gì?
Giống cà rốt
Nếu trồng bằng hạt thì bạn chuẩn bị hạt giống mua sẵn ở các cửa hàng hạt giống uy tín, xuất xứ rõ ràng.
Nếu trồng bằng đầu củ thì bạn chọn những củ tươi tốt, nguyên cuống lá.
Dụng cụ trồng
Bạn có thể dễ dàng tận dụng những vật dụng có sẵn ở nhà để trồng cà rốt: thùng xốp, chậu nhựa, chậu cây cảnh,… chỉ cần có độ sâu từ 30cm trở lên và càng rộng càng tốt để củ cà rốt dễ dàng phát triển. Ngoài ra, chậu trồng còn phải có lỗ thoát nước để cà rốt không bị úng nước. Để tiện cho việc thu hoạch, bạn có thể thiết kế thùng hay chậu như hình (người ta cũng dùng chậu kiểu này để trồng khoai tây, khoai lang và cả loại cây trồng khác).
Đất trồng cà rốt
Loại đất tốt nhất là loại đất tơi xốp và thoát nước tốt. Bạn có thể chọn đất nhiều cát và đặc biệt là không có đá để củ cà rốt ra thẳng. Độ pH trong đất phù hợp là 6 – 6.8
Bạn có thể tự chuẩn bị đất hoặc mua đất có sẵn, đảm bảo giàu dinh dưỡng.
Kỹ thuật trồng cà rốt
Avi Việt Nam hướng dẫn bạn 2 cách trồng cà rốt như sau. Bạn có thể lựa chọn 1 hình thức phù hợp với mình nhất.
Trồng bằng đầu củ
Đây được xem là cách đơn giản, thuận tiện nhất. Không những vậy, bạn trồng cà rốt theo cách này, thời gian trồng sẽ được rút ngắn hơn. Các bước được tiến hành như sau:
- Trước hết, bạn ngâm đầu củ cà rốt đã chuẩn bị trong khay nước. Đầu cà rốt có chiều dài khoảng 4cm.
- Bạn lưu ý đặt khay ngâm ở nơi có nhiều ánh sáng mặt trời và mỗi ngày bạn nhớ thay nước.
- Khoảng 1 tuần sau, đầu củ đã bắt đầu phát triển rễ. Lúc này bạn đem củ cà rốt đi trồng vào chậu.
- Mỗi ngày tưới nước 1 lần vào buổi sáng sớm.
Trồng bằng hạt giống
Trước khi gieo, bạn cần phải xử lý hạt giống cà rốt để thúc đẩy quá trình nảy mầm của hạt bởi hạt giống cà rốt có vỏ và lông cứng. Bạn vò hạt giống cho gãy hết phần lông cứng bên ngoài. Trộn hạt giống với mùn rồi tưới nước giữ ẩm 2 – 3 ngày.
Bạn dùng cây nhỏ chọc lỗ xuống đất, mỗi lỗ cách nhau khoảng 7cm, sau đó đem hạt giống gieo vào những lỗ này (mỗi lỗ bạn bỏ 2 – 3 hạt).
Phủ một lớp đất mỏng lên trên, thêm 1 lớp rơm rạ hoặc lá khô lên trên để giữ ẩm. Tưới nước cho chậu ươm hạt mỗi ngày 1 lần vào buổi sáng sớm.
Khoảng 1 tuần sau khi trồng cà rốt bằng hạt giống, hạt giống nảy mầm. Khi phát triển thành cây con, bạn nên lựa chọn và tỉa bớt những cây xấu để tập trung nuôi những cây khỏe mạnh. Bạn đừng nên nhổ bỏ mà hãy dùng kéo để không ảnh hưởng đến bộ rễ non nớt của những cây còn lại.
Kỹ thuật chăm sóc cà rốt
Duy trì việc tưới nước hàng ngày để cây đủ độ ẩm. Không tưới nước quá nhiều gây úng củ.
Khi trồng cà rốt tại nhà, bạn nên đặt chậu cà rốt ở nơi có ánh nắng trực tiếp nhưng tránh ánh nắng gay gắt.
Nhiệt độ thích hợp cho cà rốt phát triển tốt là 16 – 270C. Củ cà rốt có mập mạp, dài và ngọt hay không phụ thuộc rất nhiều vào nhiệt độ. Trồng trong chậu, bạn có thể tùy chỉnh nhiệt độ và ánh sáng 1 cách linh động.
Bón lót khi cà rốt được 15 ngày. Lúc này bạn dùng phân hữu cơ ủ hoai kết hợp với NPK để bón cho cây.
Nhổ cỏ dại mọc quanh cây cà rốt để củ không bị cỏ dại lấy hết chất dinh dưỡng.
Nếu củ cà rốt trồi lên trên mặt đất, bạn nên lấp đất lại để củ không bị xanh.
Phòng trừ sâu bệnh cho cà rốt
Đối với việc trồng cà rốt tại nhà thì vấn đề sâu bệnh ít xảy ra nhưng bạn cũng cần năm một số loại bệnh hại thường gặp ở cà rốt để có biện pháp phòng trừ phù hợp:
Bệnh thối nhũn
Bệnh thường xuất hiện khi bạn trồng cà rốt trên đất thịt ít thoát nước hoặc đất đã trồng cà rốt nhiều vụ mà xử lý đất không kỹ. Biểu hiện: Cây mềm nhũn, có nước nhớt và có mùi lưu huỳnh.
Phòng trị bệnh: Xử lý đất kỹ trước khi trồng cho đất thật sạch và tơi xốp, thoáng khí. Sử dụng Novinano, Avikhuan, Stepguar,Bộ 3 cát tường.Trichoderma spp + K-Humate + Fulvate + Chitosan + Vitamin B1 (Fulhumaxin 5.65SC) để phòng trừ.
Bệnh thối đen
Nguyên nhân gây bệnh là do nấm Alternaria radicirima và nấm Pronarostrupii sp. Bệnh gây thối khô thân lá và cả ở củ cà rốt
Bạn có thể phòng trừ bằng các loại thuốc như Novistar, Anmisdotop, Azony, Plant 50WP (20-30g/10 lít nước), Derosal 50SC (15-20ml/10 lít nước); Kocide 53,8DF (20g/10 lít nước), Cuproxate 345SC (20-25ml/10 lít nước)…
Bệnh đốm vòng
Trong quá trình trồng cà rốt, bạn nhận thấy những lá già xuất hiện những đốm vòng màu đen sau chuyển qua màu nâu. Bệnh xuất hiện trong điều kiện ẩm ướt, mưa nhiều.
Phòng trừ bằng cách: Vệ sinh đất trc khi trồng, ngâm hạt giống trong nước ấm khoảng 30 phút. Phun thuốc: Andoral, Antramix, Andibat, Melody, Novistar, Novinano, Anmisdotop để trị bệnh.
Bệnh cháy lá
Bệnh này dễ phát hiện bởi nhưng chiếc lá bỗng nhiên như bị thiêu cháy. Bạn có thể dùng thuốc Bordeaux (50gr CuSO4+ 50gr vôi nhão) hoặc Derosal 20cc/10lít.Adavin, Andoral, Andovin 350SC, Carbendazim để trị bệnh.
Thu hoạch cà rốt
Sau 2,5 – 3 tháng, bạn đã có thể thu hoạch cà rốt. Bạn nên thu hoạch theo thứ tự củ to đến củ nhỏ. Thời gian thu hoạch cà rốt có thể phù thuộc vào giống, quá trình chăm sóc của bạn và cả những ảnh hưởng của thời tiết lúc gieo trồng. Bạn dùng tay nắm thân cây và nhổ dứt khoát để tránh gãy củ. Nên lựa chọn những ngày nắng ráo để thu hoạch.
Trên đây là tất cả những kiến thức cũng như kinh nghiệm về cách trồng cà rốt cũng như cách chăm sóc và thu hoạch. Bạn nắm những thông tin trên, đảm bảo bạn có thể tự trồng tại nhà. Hãy tận dụng đất hoặc không gian trống để cung cấp những món rau sạch cho gia đình. Đừng quên thường xuyên bổ sung cà rốt vào khẩu phần ăn hằng ngày của gia đình bạn nhé!
Chúc bạn thành công!