Rau mầm cung cấp nguồn dinh dưỡng dồi dào vì thông thường giá trị dinh dưỡng của rau mầm cao gấp 3 – 5 lần rau thường cùng loại. Nhưng không phải bất cứ loại mầm nào cũng tốt. Là người tiêu dùng, bạn nên sáng suốt lựa chọn để không nguy hại cho sức khỏe. Để đảm bảo sức khỏe cho bạn và người thân, hôm nay hãy cùng AVi Việt Nam tìm hiểu xem chuyện rau mầm chứa độc tố là đúng hay sai? những loại mầm nào không tốt? Nên dùng loại nào? Và cách chế biến chúng như thế nào để đem lại lợi ích cho sức khỏe?
Trước hết, thông tin rau mầm có chứa độc tố là đúng hay sai?
Theo TS. Phan Quốc Kinh, Viện trưởng viện Nghiên cứu Thực phẩm chức năng cho biết: “Không phải mầm cây nào cũng tốt và vô hại. Nếu không làm đúng cách nó có thể gây độc.” Theo đó, chúng ta có thể khẳng định được rằng thông tin rau mầm có chứa độc tố là hoàn toàn có thật. Vậy tại sao chúng lại mang độc tố trong khi nhiều chị em rỉ tai nhau dùng rau mầm tốt cho sức khỏe?
Kỹ thuật canh tác không đảm bảo vô trùng
Rau mầm thực sự bổ dưỡng nếu được làm đúng kỹ thuật. Ngược lại nếu không đảm bảo kỹ thuật canh tác, rau mầm sẽ dễ bị nhiễm khuẩn. Các giá thể làm rau như: xơ dừa, rơm rạ khô,… phải được tiệt trùng và tiêu diệt vi khuẩn, nấm mốc trước khi tiến hành làm rau thì mới đảm bảo có được nguồn rau sạch.
Do môi trường làm rau mầm không thể tiêu diệt được vi khuẩn có hại nên chúng sẽ sinh sống và phát triển mạnh mẽ. Nếu bạn dùng rau sống thì sẽ vô cùng có hại cho sức khỏe. Đã có những trường hợp ngộ độc dẫn đến ói mửa, tiêu chảy, tức ngực, thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng.
Sử dụng hạt giống không đúng cách
Ngoài tác nhân bên ngoài thì tác nhân bên trong chính hạt giống cũng nguy hiểm không kém. Nhiều người nghĩ rằng có thể làm rau mầm từ hạt giống bình thường. Nhưng quan điểm này hoàn toàn sai lầm.
Đối với hạt giống rau củ bán trên thị trường đa số đều được xử lý qua thuốc bảo vệ thực vật nhằm tránh tác hại từ nấm bệnh, côn trùng. Việc này hoàn toàn bình thường đối với việc dùng hạt giống gieo trồng đúng với mục đích của nó.
Tuy nhiên, nếu bạn dùng hạt giống này làm rau mầm thì vô tình bạn tự làm hại chính mình bởi trong quá trình làm rau mầm, lượng thuốc bảo vệ thực vật chưa có điều kiện giải phóng ra bên ngoài. Thường quá trình này phải mất 1 tuần ở điều kiện gieo trồng với ánh sáng, nhiệt độ cao.
Do vậy, nếu muốn tự làm rau mầm tại nhà bạn nên chọn hạt giống rau mầm để làm nhé! Vấn đề này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bạn đấy!
Những loại rau mầm nào không tốt?
Ngoài vấn đề vệ sinh hay dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong khâu xử lý hạt giống nói trên, không phải cứ đảm bảo sạch sẽ thì sẽ không có độc. Theo nghiên cứu, những loại mầm sau đây tuyệt đối không nên sử dụng:
- Mầm khoai tây và các loại dưa tây: chứa độc chất alkaloid solanine gây buồn nôn, tiêu chảy, tức ngực, đau đầu thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
- Mầm 1 số loại đậu như đậu ván, đậu mèo, đậu kiếm,… chứa hàm lượng glucozid sinh axit cyanhydric
- Những cây măng mọc ở môi trường không có ánh sáng cũng mang nhiều độc tố bạn đừng nên ăn nhé!
Nên dùng rau mầm nào và cách chế biến?
Những loại rau mầm nào tốt?
Để đảm bảo sức khỏe, tận dụng nguồn dinh dưỡng dồi dào của rau mầm, bạn chỉ nên dùng những loại rau mầm đã được nghiên cứu chứng minh là an toàn như: rau mầm củ cải trắng, mầm đậu phộng, mầm đậu tương, súp lơ, rau muống và các mầm họ đậu trừ những loại mầm đậu mang độc tố ở mục trên.
Quan trọng là rau mầm phải được làm từ hạt giống rau mầm nhé!
Cách chọn và chế biến đúng cách?
Nguyên tắc lựa chọn
Nếu không có thời gian tự làm rau mầm thì bạn phải nắm vững nguyên tắc chọn rau mầm sau đây:
- Chọn rau ở nơi uy tín, đảm bảo nguồn gốc và vệ sinh
- Không chọn mua những loại rau mầm đã chuyển màu vàng, úa.
- Không chọn những loại rau mầm kích thước to bất thường hoặc bóng mượt quá mức (dễ bị kích thích tăng trưởng)
Chế biến rau mầm đúng cách
- Không nên bảo quản rau mầm quá lâu (tối đa 4 ngày ở nhiệt độ 4 – 50C)
- Rửa kỹ nhiều lần dưới vòi nước đang chảy
- Ngâm nước muối loãng 10 – 15 phút để loại bỏ hóa chất độc hại có trong rau
- Nên chế biến thành các món nấu chín. Hạn chế tối đa việc ăn sống.
- Ngoài ra, bạn không nên ăn quá nhiều rau mầm cũng như không nên dùng rau mầm thay cho rau trưởng thành. Lượng rau mầm nên dùng mỗi ngày chỉ nên bằng 1 – 2/10 lượng rau trưởng thành.
Rau mầm chứa hàm lượng dinh dưỡng rất cao. Tuy nhiên, ban phải chọn đúng loại hạt giống, canh tác đúng kỹ thuật, đảm bảo vô trùng vật dụng làm rau cũng như các giá thể sử dụng để có được rau mầm sạch đúng nghĩa. Ngoài ra, bạn nên chọn loại rau mầm nào nên ăn và tránh xa những loại rau mầm chứa độc tố. Khâu lựa chọn và chế biến rau mầm cũng thực sự quan trọng để bạn có 1 sức khỏe tốt. Hy vọng những thông tin AVi Việt Nam cung cấp trên đây sẽ giúp bạn nhiều hơn trong việc sử dụng rau mầm trong những bữa ăn gia đình.
Chúc bạn và gia đình luôn luôn khỏe mạnh!