Để bắt đầu làm ”nông dân thành phố” nhiều người đã chọn cách trồng cải ngọt bởi nó khá đơn giản. Bạn chỉ cần bịch hạt giống, 1 ít đất và 1 chiếc thùng xốp là có thể tiến hành được rồi. AVi Việt Nam sẽ giới thiệu về đặc tính, cách trồng, cách chăm sóc cây cải ngọt để bạn luôn có những bữa rau sạch cho gia đình mình sử dụng.
Về cây cải ngọt
Đây là một loại rau ăn lá giàu dinh dưỡng. Trong Đông y chúng còn là vị thuốc chữa các chững tức ngực, táo bón, ho, trĩ,… nên được nhiều người sử dụng.
Chúng có thể được trồng quanh năm, dễ trồng, dễ chăm sóc lại dễ chế biến món ăn. Tốt nhất là chọn trồng vào thời điểm ít mưa.
Thời gian sinh trưởng ngắn. Chỉ cần 25 – 30 ngày là có thể thu hoạch nên những người mới tập trồng rau rất thích.
Đây là 1 loài rau ưa sáng nên khi trồng rau cải ngọt bạn chỉ cần có 1 diện tích trống nho nhỏ ngay ban công là có thể trồng được rồi.
Chuẩn bị trồng cả ngọt
Trước hết bạn nên chọn mua hạt giống cải ngọt ở các cửa hàng hạt giống và vật tư nông nghiệp. Lưu ý kiểm tra hạn sử dụng cũng như cách đóng gói có đảm bảo hay không nhé! Hạt giống chất lượng thì tỷ lệ nảy mầm cao.
Đất dùng để gieo cải ngọt là loại đất bất kỳ bạn có miễn sao bạn cung cấp dinh dưỡng cho đất, cày xới đất tơi xốp, thoát nước là được. Trước khi trồng 10 ngày bạn nên bón vôi khử trùng, làm đất và phơi kỹ để loại bỏ mầm bệnh.
Dụng cụ trồng cải ngọt
Như đã nói ở trên, chúng ta trồng trong thùng xốp. Tùy vào nhu cầu sử dụng mà bạn chọn kích thước thùng phù hợp. Nên đục lỗ thoát nước để tránh úng cây.
Cách trồng cải ngọt
Để kích thích hạt giống nảy mầm, bạn cần ngâm ủ hạt trước khi gieo trồng. Ngâm hạt giống trong nước ấm 2 sôi : 3 lạnh tầm 4 tiếng, vớt ra rửa sạch, để ráo và ủ trong khăn ấm 1 đêm.
Đem hạt giống đã ủ gieo xuống đất ẩm. Bạn nhớ đừng gieo quá dày hoặc quá thưa nhé! Sau khi gieo bạn rắc 1 ít thuốc trừ kiến và côn trùng gây hại. Phủ 1 lớp mỏng rơm rạ hay vỏ trấu lên mặt để giữ ẩm cho đất.
Kỹ thuật chăm sóc
Cấy tỉa cây
Khi cây mọc lên, bạn có thể tùy tình hình dày mỏng mà điều chỉnh. Nếu dày quá, bạn tỉa bớt đi cho cây lá phát triển. Đem cấy vào những chỗ thưa hoặc tỉa cây con ăn dần. Mỗi cây nên cách nhau 5 – 7cm.
Việc tỉa và cấy phải tiến hành nhẹ nhàng tránh gây đứt rễ và thực hiện khi trời mát mẻ nhé. Nếu không dễ làm héo lá dẫn đến chết cây. Khi tỉa cây bạn nên nhổ cỏ để tránh bị cỏ hút hết chất dinh dưỡng của cây.
Tưới nước
Sau khi cấy tưới nước ngày 3 lần với lượng nước vừa phải để cây bén phân phát triển tốt. Sau đó giảm số lần tưới.
Mỗi ngày bạn chỉ cần tưới nước 2 lần (sáng sớm và chiều mát) và tưới bằng vòi sen nhé. Rễ cải ngọt thuộc dạng rễ nông (không ăn sâu xuống đất) nên dễ bị ngã bởi tác động của môi trường.
Bón phân
Ngoài đợt bón lót trước khi trồng bằng phân chuồng hoai mục, bạn còn cần bón thúc để cây có sức nuôi lá. Việc bón thúc diễn ra sau khi gieo 10 – 15 ngày bằng cách tưới phân DAP ngâm trong nước 6 giờ.
Nếu cây dư đạm (biểu hiện ở lá phát triển nhanh nhưng cây yếu, dễ đổ do gió) thì bạn tưới bổ sung bằng NPK 16-16-8, cũng ngâm phân trong nước 12 tiếng mới tưới cho cây.
Khi tưới phân cho cây bạn nên tưới vào chiều mát, sáng hôm sau tưới nước lại để rửa lá sạch sẽ. Trước khi thu hoạch ít nhất 10 ngày bạn tuyệt đối không tưới phân hóa học nhé.
Phòng trừ sâu bệnh
Cải ngọt là loại rau ít sâu bệnh nhưng do lá non mềm nên thường bị ốc sên hay sâu bọ tấn công. Bạn chăm sóc và tiêu diệt ngay khi chúng vừa xuất hiện để tránh ảnh hưởng cả chậu rau.
Vì trồng cải ngọt tại nhà nên việc sử dụng thuốc trừ sâu bệnh nên hạn chế tối đa để có 1 thùng rau sạch đúng nghĩa nhé!
Thu hoạch
Như đã nói ở trên, rau cải ngọt là loại rau ngắn ngày, bạn chỉ mất 25 – 30 ngày kể từ khi gieo hạt là đã thu hoạch được rồi. Thời điểm thu hoạch cùng lúc là trước khi rau ra hoa để dùng lá không bị xơ.
Trồng rau cho gia đình sử dụng nên bạn đừng vội cắt hay nhổ cả gốc. Hãy để lại gốc rau, từ gốc sẽ tiếp tục phát triển những lá mới đấy.
Đến đây bạn đã nắm vững cách trồng cải ngọt trong thùng xốp đúng không? Việc gieo trồng, chăm sóc cải ngọt không có gì khó khăn cả. Bạn chỉ cần chăm chỉ chăm sóc là sẽ sớm thu được những luống cải ngon lành rồi đấy! Chúc bạn luôn cung cấp rau sạch cho gia đình mình nhé!