Củ tỏi là một trong những vị thuốc phòng ngừa ung thư hiệu quả. Chúng còn là một loại gia vị cho món ăn thêm đậm đà. Bạn thường bảo quản tỏi không được lâu đúng không? Tại sao mình không tìm hiểu cách trồng tỏi tại nhà để luôn có tỏi tươi ngon cho cả gia đình sử dụng? Avi Việt Nam sẽ hướng dẫn bạn một cách siêu đơn giản để bạn tự trồng tại nhà nhé! Với các làm này, bạn sẽ không cần dùng đất mà vẫn có thể trồng được. Hãy đọc kỹ bài viết này nhé! Đây là hình thức trồng na ná như trồng thủy canh nhưng nó đơn giản hơn nhiều và đang được các chị em thi nhau trổ tài và chia sẻ nhiều trên các trang blog hay mạng xã hội. Mô hình thủy canh be bé này rất thú vị lại cung cấp tỏi sạch quanh năm. Hãy cùng tiến hành trồng tỏi sạch tại nhà ngay nhé!
Tỏi là một loại củ có thể trồng quanh năm tại Việt Nam nên bạn có thể trồng bất kỳ thời gian nào chúng cũng phát triển tốt.
Chuẩn bị để trồng tỏi không cần đất
Trước khi tiến hành cách trồng tỏi này bạn cần phải chuẩn bị những vật dụng sau:
- Vật dụng trồng rất đơn giản, bạn có thể tận dụng những chai nhựa (chỉ cần dùng phần đáy, cao tầm 7cm. Tùy số lượng tỏi bạn muốn trồng mà chọn chai to hay nhỏ phù hợp). Ngoài ra bạn có chọn chén, ly hoặc trồng trong cốc thủy tinh để có thể tận dụng trang trí bàn ăn.
- Tùy bạn muốn trồng nhiều hay ít mà bạn chuẩn bị số lượng bao nhiêu củ tỏi. Hãy chọn những củ tỏi khỏe mạnh, không bị sâu.
- Chắc chắn bạn cần chuẩn bị nước để cung cấp dinh dưỡng nuôi củ tỏi.
Tiến hành trồng tỏi tại nhà
- Bước 1: Bạn bóc vỏ bên ngoài của những củ tỏi giống đã chuẩn bị. Hãy bóc cẩn thận để giữ lại phần cuống tròn bên dưới và giữ nguyên không tách rời những tép tỏi (nếu phần cuống bị bóc đi luôn thì củ tỏi sẽ không mọc rễ mọc lá được).
- Bước 2: Đặt củ tỏi đã bóc lên trên chai, chén hay ly nước sao cho nước ngập 2/3 củ tỏi. Đặt chúng ở nơi khô ráo, thoáng mát và có ánh sáng mặt trời.
- Bước 3: Sau 5 ngày, lá bắt đầu mọc và lên xanh tốt vào những ngày sau đó.
- Bước 4: Lúc này bạn mới cần dùng đến thùng xốp có chuẩn bị đất tơi xốp giàu dinh dưỡng. Sau 15 ngày, cây tỏi đã cứng cáp với rễ và lá phát triển mạnh, bạn đem chúng trồng xuống đất. Sau khi trồng, bạn phủ thêm 1 lớp rơm rạ hoặc lá khô lên trên để giữ ẩm cho đất. Đây cũng là cách hạn chế cỏ dại lấy dinh dưỡng của củ tỏi. Để việc trồng tỏi được thực hiện tốt, mỗi ngày bạn chỉ cần tưới nước đầy đủ cho cây.
- Bước 5: Khi tỏi ra hoa, thân tỏi duỗi ra, bạn hãy cắt bỏ ngồng tỏi để tập trung nuôi củ.
Bệnh hại thường gặp trên cây tỏi
Tỏi thường bị bệnh sương mai làm hại.
Triệu chứng: Ban đầu bệnh thường xuất hiện trên lá già sau đó lan dần xuống củ. Lá già có lớp nấm màu trắng che phủ lên vết bệnh và chuyển dần thành màu xanh hơi đỏ. Bệnh nặng gây gãy lá và chết cây.
Đây là bệnh do nấm Peronospora destructor (Berk.) Casp. In Berk. gây ra. Bệnh xuất hiện ở 1 vài cây sau đó bị gió thổi bay bào tử nấm lan ra nhiều hơn.
Nhiệt độ cho bệnh sương mai phát triển là 220C, độ ẩm cao và nơi có nhiều sương mù.
Phòng trừ bênh sương mai bằng cách:
- Vệ sinh và khử trùng đất trồng sạch sẽ.
- Sử dụng 1 trong các loại thuốc sau để phòng trừ bệnh: Iprovalicarb; Propineb; Trichoderma.
Thu hoạch
Bạn bắt đầu thu hoạch tỏi khi thấy một nửa hoặc ¾ số lá tỏi chuyển màu vàng nâu. Đem phơi nắng cho củ tỏi thật khô rồi treo ở nơi khô ráo, thoáng mát để sử dụng dần.
Với việc trồng tỏi bằng phương pháp đơn giản này bạn sẽ có tỏi tươi ngon lại không lo bị hóa chất độc hại cho gia đình sử dụng. Bạn không cần phải mua tỏi không nguồn gốc ngoài chợ hoặc không vất vả nhờ người quen mua tỏi Lý Sơn. Hãy tự mình trồng và sử dụng nhé!
Chúc bạn trồng tỏi sạch tại nhà thành công!