Nói đến lan, không thể không nhắc đến loài lan Cẩm Cù. Một trong những loài lan phát triển rất mạnh và cho nhiều chùm hoa xinh xắn. Ngoài ra, chúng còn góp phần làm trong sạch môi trường và đem lại những điều tốt đẹp đến cho gia chủ. Để tìm hiểu kỹ hơn về đặc tính của loài hoa này, bạn hãy dành thời gian đọc tiếp bài viết này của AVi Việt Nam nhé! Chúng tôi đảm bảo sẽ khiến bạn yêu loài hoa này hơn!
Về loài Lan Cẩm Cù
Đặc điểm
Được biết đến với nhiều tên gọi như: lan sao, lan cầu, lan anh đào, trái tim tình nhân hay lan cầu vồng. Tên khoa học là Hoya carnosa và thuộc họ Thiên lý.
Là loại lan dây leo, thân mềm với chiều cao trung bình 4 – 7cm, tuổi thọ lan Cẩm Cù cao. Thân có nhiều rễ phụ tại các đốt.
Tùy từng vùng miền mà chúng phát triển thành nhiều loại với màu sắc và hình dáng khác nhau. Hầu hết lá lan hình bầu dục, thuôn nhọn nơi đầu lá. Tuy nhiên, cũng có những loại đặc biệt hơn với lá hình trái tim được nhiều người săn đón hơn. Các lá mọc đối xứng nhau qua thân.
Hoa có màu trắng, đỏ hoặc hồng với 5 cánh như hình ngôi sao và tỏa hương thơm dịu. Chúng mọc ra từ các nách lá theo dạng chùm như hoa cẩm tú cầu.
Là loại lan ưa sáng, ưa ẩm, phát triển nhanh, khả năng chịu hạn cao và dễ bị úng nếu gặp mưa nhiều hoặc tưới quá nhiều nước. Thời gian tươi của mỗi chùm hoa khoảng 7 – 10 ngày.
Khi trồng loại lan này bạn nên tránh những nơi quá rợp mát vì cây vẫn sống khỏe mạnh nhưng không cho hoa. Tuy nhiên, nếu ánh nắng quá nhiều cây cũng dễ bị vàng lá, phát triển kém. Điểu tiết ánh sáng cho loài lan Cẩm Cù này là điều khá quan trọng.
Công dụng
Ngoài việc dùng để trang trí, các nhà khoa học đã nghiên cứu chứng khả năng chữa bệnh của chúng.
Ngoài ra, Đại học Georgia đã chỉ ra rằng lan Cẩm Cù còn là một “máy lọc khí” hữu hiệu cho môi trường xung quanh chúng với chức năng lọc khí, loại bỏ các chất ô nhiễm cũng như các loại khí độc hại.
Ý nghĩa và ứng dụng
Là loài lan mang thông điệp yêu thương, may mắn nên chúng được các cặp đôi yêu thích và thường dùng làm quà tặng nhau trong những dịp tỏ tình, lễ tình nhân hay những ngày kỷ niệm.
Theo quan niệm phong thủy, lan Cẩm Cù mang những ý nghĩa rất tích cực. Chúng giúp gia chủ thu hút vượng khí, những điều may mắn và bình an. Chính vì vậy mà nhiều gia đình chọn trồng vừa với mục đích trang trí không gian, vừa để cầu may mắn, bình an và thu hút những điều tốt lành cho gia đình.
Cách nhân giống lan Cẩm Cù
Đây là một trong những loại lan dễ nhân giống. Bạn có thể tiến hành 1 trong 2 cách là nhân giống bằng hạt hoặc từ cành hoặc lá. Cụ thể như sau:
Dùng hạt giống lan Cẩm Cù
Bạn có thể tìm mua hạt giống tại các cửa hàng hoặc những nơi bán online. Hoặc cũng có thể dùng hạt của chính cây lan bạn hay người thân trồng được.
Cách lấy hạt như sau: Đợi trái lan già rồi khô. Nếu muốn để lâu bạn nên bỏ vào túi nilong bọc kín lại.
Gieo hạt giống vào đất giàu dinh dưỡng và tơi xốp và đặt chậu nơi râm mát để hạt giống nảy mầm và phát triển thành cây con.
Cách nhân giống bằng hạt này khá mất thời gian, phải đến 12 tháng bạn mới có cây lan trưởng thành.
Dùng cành hoặc lá cây
Đây là cách nhanh chóng tạo ra cây con. Dùng thân sẽ nhanh và dễ dàng hơn so với dùng lá.
Cắt đoạn cành hoặc lá lan khỏe mạnh, ngâm với thuốc kích thích ra rễ để rút ngắn thời gian. Bạn nên chọn những cành đủ trưởng thành, đã đổi màu và thành thân gỗ. Cắt mỗi đoạn gồm 3 – 4 đốt lá (ngắt bỏ lá ở đốt dưới cùng). Sau đó giâm vào đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng. Sau đó đặt cây nơi thoáng mát, tưới vừa đủ nước để cây phát triển mầm nhánh và thành cây con.
Kỹ thuật chăm sóc lan cẩm cù
Muốn lan Cẩm Cù khỏe mạnh, phát triển nhanh, ra hoa đẹp bạn phải lưu ý đến những yếu tố sau đây:
Tưới nước
Vì là cây vừa thích nghi với khô hạn tốt ại vừa ưa ẩm nên trong quá trình sinh trưởng phát triển của cây bạn chỉ cần tưới nước mỗi tuần 1 – 2 lần là đủ. Chậu lan phải thông thoáng, thoát nước tốt để tránh úng ngập gây ảnh hưởng xấu đến cây.
Vào mùa mưa, bạn nên để ý chống ngập cho cây nhé!
Ánh sáng
Như đã đề cập bên trên, lượng ánh sáng nuôi cây phải vừa đủ, không dư mà cũng không thiếu. Thiếu sáng, cây không quang hợp được nên khó cho hoa, thừa sáng cây vẫn cho hoa nhưng lại dễ bị vàng lá và kém phát triển.
Do đó,tốt nhất là bạn trồng lan Cẩm Cù bên dưới mái che hoặc nơi ban công hay những cửa sổ hướng nắng.
Bón phân
Lan Cẩm Cù không cần dinh dưỡng quá nhiều. Chỉ cần bón phân mỗi tháng 1 – 2 lần là được. Bạn có thể bón NPK cho cây.
Nếu bạn bón quá nhiều phân, cây chỉ phát triển cành lá mà không nở hoa.
Ngoài ra, để cây cho nhiều hoa, bạn nên tỉa ngọn cho chúng phát triển cành nhánh. Khi đó, cây lan nhà bạn sẽ cho nhiều hoa đấy!
Phòng trừ sâu bệnh
Đây là loài lan được trồng phổ biến bởi chúng dễ chăm sóc lại có khả năng chống sâu bệnh cao. Thỉnh thoảng cây cũng bị các loài rệp tấn công nhưng tỷ lệ khá thấp. Bạn cần phát hiện và xử lý kịp thời. Bạn có thể dùng những loại thuốc đặc trị rệp để phun thẳng lên lá tiêu diệt chúng.
Ngoài ra, nếu gốc cây không được thông thoáng dễ dẫn đến hiện tượng nứt gốc. Đây được xem là một trong những loại bệnh nguy hiểm dễ dẫn đến chết cây nhất. Để phòng chống hiện tượng này, bạn chỉ cần vệ sinh gốc cây thường xuyên để tạo môi trường sạch sẽ, thoáng mát cho cây phát triển.
Như vậy, loài lan phát triển mạnh mẽ, cho hoa siêu đẹp này cũng khá dễ trồng và chăm sóc đúng không? Nếu bạn cũng yêu thích chúng thì đừng ngần ngại, hãy trồng ngay vài chậu để làm sinh động, trong lành thêm không gian sống và góp phần đem những luồng khí tốt đến với gia đình bạn.
Chúc bạn và gia đình luôn hạnh phúc, bình an!