“Em là hoa huệ trắng - Nở trong trái tim Anh - Em là ngàn tia nắng - Soi đời Anh ngọt lành...” Lời thơ mang hình ảnh dịu êm nhẹ nhàng nhưng kiêu kỳ của nhành hoa huệ tây màu trắng tinh khiết khiến lòng người dễ rung động. Tác giả Vũ Lương đã ví von vẻ đẹp của người con gái vừa hồn nhiên đáng yêu vừa yêu kiều lộng lẫy như hoa huệ. Thật vậy, nhắc đến huệ tây là nhắc đến một loài hoa sang trọng, thanh nhã nhưng đầy mê hoặc. Và còn nhiều điều có thể chúng ta chưa biết về loài hoa ấy. Hãy dành chút thời gian để cùng AVi Việt Nam tìm hiểu sâu hơn về chúng nhé! Chúng ta sẽ đi lần lượt từ đặc điểm, phân loại và sau đó là cách trồng và chăm sóc loài hoa này.
Giới thiệu về hoa Huệ Tây
Đặc điểm
Hoa Huệ Tây hay còn gọi là hoa Bách Hợp, Loa Kèn, Lily thuộc chi Lium, họ Loa kèn. Chúng có hoa dạng hình phễu, thường nở vào tháng 4 và ban đêm chúng tỏa hương thơm ngát.
Có nguồn gốc từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu, loài hoa này du nhập vào Việt Nam từ khoảng năm 1945.
Chúng ưa bóng râm, khả năng chịu nắng rất kém. Do vậy, bạn không nên trồng ở nơi có quá nhiều ánh nắng dễ khiến cây còi cọc, không nở hoa.
Ý nghĩa và phân loại hoa huệ tây
Đây là loài hoa nhiều lần được đi vào thơ ca của nhân loại với ý nghĩa tượng trưng cho sự thanh khiết, thủy chung, cao thượng, mang nét ngây thơ và hy vọng.
Nó thường được dùng để chưng trong các dịp lễ và các ngày trọng đại của các tôn giáo.
Hoa Huệ Tây được phân loại theo màu sắc, mỗi màu sắc lại mang một nét ý nghĩa riêng:
- Huệ tây trắng tượng trưng cho sự thuần khiết, trong sáng, tinh khôi. Và đại diện cho hình tượng Đức mẹ đồng trinh trong văn hóa Công giáo.
- Huệ tây hồng tương trưng cho sự tham vọng và khích lệ tinh thần dung mãnh đương đầu với các thách thức trong cuộc sống.
- Huệ tây đỏ thường được dùng trong đám hỷ như đám cưới, đám hỏi mang ý nghĩa của sự hạnh phúc, thủy chung son sắc.
- Huệ tây màu vàng tượng trưng cho sức khỏe và sự thịnh vượng.
Trồng và chăm sóc hoa Huệ Tây như thế nào?
Nhiều người biết đến loài hoa này với cái tên gọi là “hoa tháng Tư” bởi tháng 4 là thời điểm chúng nở rộ và tỏa hương thơm ngát. Nhà vườn cũng thu hoạch chúng nhưng giữ lại củ cho đến tháng 7 mới đào lên để nhân giống cho vụ hoa mới. Thông thường, hoa Huệ Tây được trồng vào khoảng tháng 10 – 11 dương lịch. Nếu đảm bảo đúng kỹ thuật trồng và chăm sóc thì mỗi có thể sinh đến 15 – 17 bông. Cách trồng và chăm sóc như sau:
Chuẩn bị đất
Loại hoa này ưa loài đất nhiều bùn, độ ẩm cao nhưng lại thoáng khí, tơi xốp và rút nước nhanh. Bạn có thể dùng đất sét pha cát hoặc đất thịt để trồng.
Trước khi trồng hoa, đất phải được xới xáo cẩn thận. Cách kiểm tra đất chuẩn để trồng hoa là dùng tay nắm đất lại, nếu chúng không bị vỡ ra là bạn đã thành công. Nên bón lót bằng phân chuồng ủ hoai để tăng dinh dưỡng cho đất.
Chuẩn bị giống hoa huệ tây
Nếu như không có giống sẵn thì bạn có thể tìm mua củ giống khá dễ dàng tại các cửa hàng hoặc các trang thương mại điện tử. Tùy vào sở thích mà bạn lựa chọn giống phù hợp.
Khi chọn giống bạn nên chọn những củ to vừa phải, chắc khỏe, không bị thối để tỷ lệ nảy mầm cao.
Tiến hành trồng
Khi đã chuẩn bị đất xong và có củ giống chất lượng, bạn tiền hành trồng bằng cách đặt củ hoa huệ tây vào đất và lấp đất sâu 4 – 5cm. Nếu lấp sâu, cây sẽ khó đâm chồi mà lấp cạn củ dễ bị hư. Sau đó duy trì tưới nước đều đặn mỗi ngày và đặt chậu nơi khô ráo thoáng mát, tránh nắng.
Khi cây nảy mầm, bạn nên di chuyển ra vị trí có ánh nắng nhẹ để cây phát triển.
Chăm sóc
Trong quá trình chăm sóc cây con, ngoài việc tưới nước thường xuyên cho cây, bạn nên vun xới gốc cho cao để giữ cây không bị ngã. Việc này phải được làm thường xuyên cho đến khi cây trổ hoa.
Khi cây được 10 lá thật, bạn có thể bấm ngọn để cây phát triển chồi nách.
Đến tuổi có hoa, ngoài việc chăm sóc cây bạn nên ngắt bỏ hoa tàn để không phí dinh dưỡng ảnh hưởng những hoa khác.
Thu hoạch
Khi muốn cắt hoa khỏi cây, bạn nên tiến hành ngay khi hoa Huệ Tây mới hé nứt đầu cánh, để lại thân cách gốc 10 – 15cm để nuôi củ. Để giữ hoa tươi lâu, sau khi cắt bạn nên cắm ngay vào chậu nước.
Nhân giống hoa Huệ Tây
Sau khi thu hoạch hoa, bạn đừng nên nhổ củ lên ngay mà cứ tiếp tục nuôi trong đất. Đến tháng 7 đào củ lên, giữ nguyên thân cây, giũ sạch củ rồi vùi vào trong cát.
Khi đem củ đi trồng bạn mới cắt bỏ thân để tạo thành cây mới.
Phòng sâu bệnh
Hoa Huệ Tây là loài hoa cần nhiều dinh dưỡng, khi thiếu chất, chúng thường có biểu hiện khô đầu lá. Lúc này bạn có thể bổ sung dinh dưỡng qua lá hoặc rễ cây. Dùng phân lân và 1% ure hòa tan trong nước rồi phun lên lá.
Lá còn dễ nhiễm bệnh rỉ sắt, bạn chỉ cần dùng Shimel 1% để phòng trừ.
Do đặc tính củ chứa nhiều nước nên sau khi thu hoạch hoa, bạn đừng để củ quá lâu trong đất dễ gây thối củ. Khi bảo quản củ giống này trong cát, bạn nên đảo định kỳ 15 – 20 ngày 1 lần. Khi phát hiện củ bị thối bạn nên loại bỏ ngay để tránh lan ra những củ khác. Sau đó thay cát mới để tiếp tục bảo quản.
Như vậy, đến đây bạn đã cơ bản hiểu được về hoa Huệ Tây một loài hoa đẹp và đa dạng về màu sắc. Với những ý nghĩa cao đẹp, chúng thường được sử dụng trong các dịp lễ Tết và được ưa chuộng trồng trong vườn. Nếu bạn cũng là một trong những người yêu thích hoa này thì hãy thủ tìm giống và trồng vài chậu nhé! Hương thơm của chúng sẽ ngập tràn không gian nhà bạn đấy!
Chúc bạn thành công!