Khoác lên mình vẻ đẹp của màu trắng tinh khôi, dịu dàng, lãng mạn và một mùi hương quyến rũ, hoa lài đã chinh phục được tấm lòng của những con người yêu hoa. Đây là một trong các loài hoa vừa là cây cảnh, vừa là cây phong thủy lại còn có nhiều công dụng đối với sức khỏe và sắc đẹp. Để tìm hiểu kỹ hơn về loài hoa đáng yêu này, AVi Việt Nam xin mời bạn cùng tìm hiểu những thông tin trong bài viết nhé! Chắc chắn sẽ có những điều làm bạn bất ngờ đấy!
Những điều cần biết về cây hoa Lài
Nguồn gốc và đặc điểm
Được người ta biết đến với khá nhiều tên gọi khác nhau. Quen thuộc nhất là hoa Nhài rồi đến Mạt Ly, Nhài Đơn hay Mạt Lợi và tên khoa học là Jasminum Sambac Ait.
Có lẽ ít người biết đến lịch sử “lênh đênh” của cây hoa Lài. Chúng không phải là cây trồng thuần Việt. Xuất phát từ Nepal của Ấn Độ, chúng du nhập sang tận các quốc gia Đông Nam Á và cả Châu Âu. Tại Đông Nam Á, chúng trở thành Quốc hoa của đất nước Philippin và Indonesia (giống như hoa Sen là Quốc hoa của Việt Nam vậy) rồi sau đó sang Việt Nam và được nhân giống rộng rãi.
Cây có độ cao trung bình từ 0,5 – 3m. Gồm nhiều cành nhỏ, mọc tỏa xung quanh thân. Lá có hình trái xoan, nhẵn bóng 1 mặt, mặt dưới có lông. Chúng có hoa màu trắng tinh khiết.
Đây được xem là một gợi ý đáng quan tâm dành cho những ai muốn trồng trang trí sân vườn, ban công hay văn phòng công ty.
Đặc tính của hoa Lài
- Cây thích nghi với nhiều loại đất trồng khác nhau, nhiệt độ thích hợp khoảng 20 – 33 độ C.
- Là loài cây ưa sáng, thích thoáng mát. Khi thiếu sáng cây sẽ còi cọc, không phát triển.
- Hoa của chúng thường nở về đêm, tầm 19 – 20h. Khi nở tỏa hương nồng nàn. Chính vì điều này mà nhiều người mê mẩn chúng.
- Hoa Lài có thể được trồng bất cứ lúc nào nhưng tốt hơn hết là sau mùa mưa để tránh thừa nước, úng cây vì khả năng chịu úng của chúng kém.
Cách trồng cây hoa Lài
Chuẩn bị đất và dụng cụ trồng
Bạn có thể trồng thẳng ra đất hoặc chậu cây cảnh nhưng bạn cũng có thể tận dụng khay nhựa, thùng xốp hoặc bao ximang,... Chỉ cần dụng cụ trồng có lỗ thoát nước.
Hoa Lài có thể thích nghi với nhiều loại đất khác nhau nhưng thích hợp nhất là loại đất giàu dinh dưỡng, nhiều mùn, ít chua, đặc biệt là tơi xốp, thoát nước tốt.
Bạn có thể mua đất có sẵn hoặc trộn đất thịt với phân ủ hoai mục cùng vỏ trấu, xơ dừa để tăng dinh dưỡng và độ thoáng của đất. Việc bón lót này nên tiến hành trước 15 – 20 ngày. Kỹ hơn, bạn có thể trộn kèm vôi nông nghiệp để khử mầm bệnh.
Giống hoa Lài
Thông thường người ta lựa chọn phương pháp nhân giống bằng giâm cành để rút ngắn thời gian chăm sóc.
Bạn lưu ý chọn cây mẹ khỏe mạnh, phát triển tốt, không sâu bệnh.
Đất dùng để giâm cành phải đạt yêu cầu, không lẫn vụn gạch đá. Thông thường sau 20 ngày, cành sẽ ra rễ.
Tiến hành trồng
Khi cành giâm đã phát triển nhiều rễ, bạn nên trồng cây hoa Lài vào chậu để cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho cây.
Cho đất vào 1/3 chậu, đặt bầu giâm vào ngay giữa chậu và tiếp tục cho đất vào để cố định cây. Sau đó, tưới đẫm nước để dẽ đất và giữ cây đứng vững.
Đặt chậu cây nơi thoáng mát, có ánh nắng nhẹ tầm 2 tuần. Sau đó mới đem cây ra nơi có ánh nắng tốt để cây phát triển.
Sau 1 năm là cây bắt đầu trổ hoa.
Kỹ thuật chăm sóc
Để có 1 cây cảnh khỏe mạnh, ra hoa sớm, bạn nên chú ý những yếu tố sau:
Nước tưới
Đảm bảo đủ nước cho cây bằng cách mỗi ngày tưới 1 – 2 lần tùy thời tiết. Cây càng lớn, nhu cầu nước càng nhiều. Mùa mưa phải quan tâm đến khả năng thoát nước của chậu và đất trồng cây.
Bón phân
Hoa Lài cần dinh dưỡng khá nhiều. Bạn phải bón đầy đủ 3 loại đạm, lân và Kali cho cây theo từng thời điểm cụ thể sau:
- Cung cấp đạm sau khi trồng 1 tháng.
- Cung cấp Kali vào mùa Thu để cây có sức đề kháng tốt hơn.
- Bón phân lân khi mùa Xuân đến để kích thích cây ra hoa.
Thay chậu
Cứ 2 năm 1 lần hoặc khi thấy cây hoa Lài có dấu hiệu thiếu sức sống, bạn nên đổi chậu và thay đất mới giàu dinh dưỡng hơn để cây tiếp tục phát triển.
Khi đổi chậu và thay đất, bạn nên tỉa bỏ bớt rễ dài, rễ già để làm gọn bộ rễ cho cây. Sau đó mới làm đất mới rồi trồng lại.
Việc này nên được tiến hành vào đầu mùa Xuân.
Ý nghĩa phong thủy
Theo quan niệm phong thủy, ngoài việc cân bằng Ngũ Hành, mọi vật đều có âm dương, cây cỏ cũng vậy. Cây hoa Lài có lá mọc hướng lên thuộc tính dương nên được cho là loài cây đem lại tài lộc, thịnh vượng cho chủ nhân.
Trồng loài hoa Lài sẽ giúp thu hút năng lượng tích cực, đem lại tiền tài, vinh hoa, cải thiện các mối quan hệ và xua đi những điều xấu. Hương thơm của hoa cũng mang lại những điều tích cực cho cuộc sống.
Một số công dụng của cây hoa Lài đối với sức khỏe
Có lẽ bạn đã nghe nhắc đến trà Lài đúng không? Nó được làm từ những bông hoa này đấy. Dùng trà Lài thường xuyên sẽ giúp bạn giảm cholesterol trong máu, ngăn ngừa sự hình thành các mô mỡ thừa, giúp giảm cân, giảm nguy cơ các bệnh về tim mạch, đột quỵ,…
Ngoài ra, hợp chất Methyl Jasmonate và Cis – jasmine trong hoa Lài còn được nghiên cứu chứng minh có khả năng hỗ trợ điều trị tiểu đường và ngăn ngừa một số loại ung thư.
Một số công dụng khác của hoa và lá loài cây này là thanh nhiệt giải độc, tăng cường sức đề kháng, chữa đau nhức khớp,…
Trồng cây hoa Lài trong khuôn viên sân vườn nhà còn giúp thư giãn, đẩy lùi khó chịu, stress và tăng cường sự tập trung.
Lời kết
“Hoa nhài e lệ nở về đêm
Hương thơm nhè nhẹ bay quanh thềm
Bình minh thức dậy hoa còn nở
Sớm mai sương đọng cánh hoa mềm”
Đó là cách mà thơ ca miêu tả về những bông hoa lài. Chúng thật đẹp, thật đáng yêu với những công dụng tốt cho sức khỏe và những điều tích cực trong cuộc sống. Cách trồng và chăm sóc hoa Lài cũng khá đơn giản. Nếu có thời gian và đủ điều kiện sống cho cây, bạn nên thử trồng vài cây. Việc làm này vừa để trang trí thêm cho ngôi nhà, vừa để đêm đêm nằm nghe mùi hương thơm ngào ngạt giải tỏa áp lực cuộc sống, xua tan buồn lo và khiến cuộc sống bạn trở nên thi vị hơn.
Chúc bạn mạnh khỏe và thành công!