Có một loài hoa mang thông điệp của tình yêu và những điều thiện lành và được nhiều người biết đến bởi sự dễ tính, dễ trồng, dễ thích nghi với môi trường. Đó là cây Hồng Môn – một loài cây cảnh, cây phong thủy rất được ưa chuộng. Chúng vừa đẹp vừa có khả năng rước tài lộc và may mắn vào nhà đấy! Để biết thêm về đặc điểm, ý nghĩa và cách trồng chăm sóc chúng, AVi Việt Nam mời bạn theo dõi bài viết nhé! Chúng tôi sẽ cung cấp nhiều thông tin bổ ích cho bạn.
Về cây Hồng Môn
Nguồn gốc, đặc điểm
Theo người xưa kể lại, loài hoa này xuất phát từ Colombia và được một nhà truyền giáo người Anh (S.M.Damon) đem đến Hawaii. Chúng vô cùng phổ biến trên đất nước này và được gán cho cái tên yêu thương là “trái tim Hawaii”.
Loài cây này được nhiều người biết đến dưới nhiều tên gọi khác nhau như Môn Hồng, Vĩ Hoa Tròn hay hoa Buồm Đỏ…
Theo sự khác biệt về kích thước, hiện hay có 3 loại phổ biến là: Đại Hồng Môn, Tiểu Hồng Môn và Trung Hồng Môn. Trong các loại thì Đại Hồng Môn là loài được lòng nhiều người nhất.
Đây là loài cây thân thảo, mọc thành bụi và sống được khá nhiều năm. Thân có màu xanh, ngắn.
Phiến lá cây Hồng Môn có hình trái tim, bóng, có gân với chiều dài từ 18 – 30cm và chiều rộng khoảng 9 – 15cm. Càng già thì màu sắc lá càng đậm. Mỗi lá mọc từ gốc cây với cuống lá dài có khi đến 40cm.
Hoa Hồng Môn dạng phiến hình tim với màu đỏ, cam hoặc hồng. Giữa mo hoa có 1 cụm hoa màu vàng nhạt. Đây là loài hoa lưỡng tính, trên mỗi hoa tự có nhiều hoa nhỏ.
Loài hoa này phát triển mạnh mẽ ở những nơi có khí hậu mát mẻ, nhiệt độ tầm 18 – 20 độ C, độ ẩm từ 70 – 80%. Nếu trồng ở nơi có nhiệt độ thấp hơn 15 độ C hay cao hơn 30 độ C đều ảnh hưởng không tốt đến sinh trưởng của cây, chúng sẽ ngưng phát triển, bị vàng lá, cháy lá và có khi dẫn đến chết cây.
Ý nghĩa
Đây là loài hoa đa dạng màu sắc, với mỗi màu chúng lại mang những ý nghĩa khác nhau:
- Hồng môn đỏ: đại diện cho tình yêu nồng cháy.
- Màu cam: thể hiện sự đam mê, niềm tin, quyết đoán và sáng tạo. Đồng thời chúng đại diện cho sự bền bỉ và sức mạnh vượt lên mọi thử thách, dám ước mơ và quyết thành công.
- Với những cây hồng môn cho hoa màu trắng: đại diện cho sự tinh khiết, thánh thiện.
- Những bông hoa màu xanh đại diện cho sự kiên trì, hy vọng hướng đến thành công.
- Những chậu hoa tím đại diện tình yêu thủy chung, bền vững.
- Những đóa Hồng Môn màu hồng thể hiện sự lãng mạn trong tình yêu.
Cây Hồng Môn trong phong thủy
Ý nghĩa phong thủy
Ngay chính tên gọi của của cây đã khiến người ta liên tưởng đến sự may mắn, tốt lành cho gia môn. Bởi “Hồng” đại diện cho sắc hồng may mắn, màu hồng hạnh phúc, “Môn” là gia môn phú quý.
Cây Hồng Môn còn là biểu tượng của lòng hiếu khách, của tình yêu đẹp. Chúng còn giúp cân bằng các trường khí trong gia đình, điều hòa năng lượng, giảm xung khắc giữa các thành viên, giúp gia đình hòa hợp hơn.
Về đường công danh, loài hoa này giúp cho sự nghiệp sáng lạn hơn, giúp mọi người trong nhà có sự nghiệp ổn định, các mối quan hệ được bền chặt.
Cây Hồng Môn hợp với mệnh nào?
Với những màu sắc hoa đỏ, hồng, vàng nên chúng hợp với người mệnh Thổ và mệnh Hỏa. Những người thuộc 2 cung mệnh này trồng hoa để cầu mong về cuộc sống may mắn, tài lộc và bình an.
Hồng Môn sẽ khắc phục hầu hết những nhược điểm của 2 mệnh này đồng thời phát huy những thế mạnh giúp ổn định tài vận và kinh doanh thịnh vượng.
Ứng dụng
Với đặc điểm xinh xắn đáng yêu lại dễ trồng, dễ chăm sóc, dễ thích nghi với môi trường, hơn nữa chúng lại mang nhiều ý nghĩa nên cây Hồng Môn được ứng dụng khá nhiều trong cuộc sống. Cụ thể như sau:
- Làm những cây trang trí bàn làm việc, phòng khách hay không gian sống để thêm phần sang trọng.
- Ngoài việc trang trí, chúng còn khiến không gian tươi trẻ, năng động, không khí làm việc hăng say, kích thích sáng tạo và đỡ stress.
- Hồng Môn còn giúp thanh lọc không khí, hấp thụ những chất độc hại từ môi trường như benzene, formandehit, xylen,…
- Chúng còn được dùng để làm quà tặng cho người thân, bạn bè, khách hàng, đối tác trong những dịp quan trọng như tân gia, mừng thăng chức, sinh nhật, khai trương,… để thay cho những lời chúc tốt lành, may mắn.
Cách trồng cây hồng môn
Đây là loài cây dễ trồng, bạn chỉ cần chuẩn bị và tiến hành theo những hướng dẫn sau:
Chuẩn bị đất và chậu trồng
Đất trồng cây nên chọn loại đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng, thoát nước tốt. Trước khi trồng, bạn nên trộn đất với tro trấu và đất phù sa cộng với phân hữu cơ.
Chậu trồng có kích thước phù hợp với cây và có lỗ thoát nước là được.
Chuẩn bị cây giống
Việc nhân giống cây hồng môn được thực hiện bằng cách dùng cây giống. Có 2 loại cây giống phổ biến là cây 1 thân và cây 2 chồi.
- Dùng cây 1 thân: bạn tách chồi từ cây mẹ có 1 – 2 rễ làm cây giống.
- Dùng cây có 2 chồi: Bạn có thể trồng luôn hoặc tách làm đôi để trồng thành 2 cây độc lập.
Tiến hành trồng
Các bước trồng cây Hồng Môn như sau:
- Cho đất vào chậu, đặt cây giống vào chậu rồi ém chặt gốc để cố định cây.
- Đặt chậu cây nơi râm mát, thoán khí để chăm sóc. Tưới nước mỗi ngày 2 lần để cây đủ độ ẩm.
- Chăm sóc cây được tầm 20 ngày bạn đem cây ra nơi có đủ ánh sáng để cây sinh trưởng tốt.
Cách nhân giống cây hồng môn
Hồng môn có 2 cách để nhân giống là chiết cây con từ cây mẹ hoặc nuôi cấy mô từ lá và hạt. Trong đó, phương pháp chiết cây con dễ thực hiện hơn nên được nhiều người ưu tiên lựa chọn. Bạn thực hiện như sau:
- Chọn cây mẹ khoảng nửa năm tuổi, có 3 – 4 lá non.
- Dùng dao sắt cắt tách sát gốc (nhớ lấy kèm 1 – 2 rễ cho cây con).
- Đưa vào bầu ươm chăm sóc 1 thời gian rồi mới trồng vào chậu.
Cách trồng cây Hồng Môn thủy sinh
Ngoài cách trồng vào đất như trên, bạn cũng có thể trồng thủy sinh để trang trí không gian đẹp và sạch sẽ hơn. Cách trồng đơn giản như sau:
- Bạn chuẩn bị cây giống đang khỏe mạnh, phát triển tốt, cắt tỉa bớt những lá già, hư,… Rửa sạch rễ để loại bỏ đất bẩn, rửa luôn cành lá cây Hồng Môn cho sạch sẽ.
- Cho nước vào chậu thủy tinh, pha thêm vài giọt dung dịch dinh dưỡng rồi đặt cây vào. Lượng nước ngập 2/3 chiều dài rễ.
Với phương pháp thủy canh, mỗi tuần bạn thay nước 1 lần cho cây đủ dinh dưỡng. Ngoài ra, vài ngày bạn lại đem cây ra nơi có ánh nắng buổi sáng 2 tiếng đồng hồ để cây đón nắng.
Kỹ thuật chăm sóc hồng môn
Quá trình chăm sóc cây Hồng Môn, bạn chú ý những yếu tố sau:
Nước tưới
Việc tưới nước đảm bảo cho cây sinh trưởng tốt và đảm bảo tính thẩm mỹ. Thiếu nước hoặc thừa nước sẽ dẫn đến hiện tượng khô héo hoặc cháy lá.
Tùy điều kiện môi trường mà bạn tưới lượng nước phù hợp.
Ánh sáng
Cây Hồng Môn không ưa tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời nên bạn có thể làm giàn che, trồng cây dưới bóng cây khác hoặc trồng trong nhà.
Bón phân
Để cây đủ dinh dưỡng phát triển khỏe mạnh và cho hoa đẹp bạn nên bón phân cho cây.
Khi cây được 50 – 60 ngày tuổi, bạn bón cho cây 1 đợt phân bằng phân hữu cơ, phân chuồng hoặc NPK. 4 – 5 tháng bạn lại bón tiếp 1lần.
Cắt tỉa cây
Thường xuyên cắt tỉa, loại bỏ những cành lá khô héo, mất sức sống để cây khỏe mạnh.
Ngoài ra, việc làm cỏ cũng cần được chú trọng để giúp thông thoáng gốc cây, lớp đất trồng giữ độ tơi xốp.
Phòng trừ sâu bệnh hại
Hồng Môn thường bị virút xoắn lá, thối gốc, thối củ và thân cây.
Bạn nên loại bỏ ngay những lá bị xoắn để tránh lây lan ra những cây khác mất khả năng ra hoa.
Đối với trường hợp rễ, thân, lá, củ bị thối đa phần là do đất bị ẩm ướt, gốc cây hoặc đất trồng không thông thoáng. Bạn nên tỉa cành, làm cỏ thường xuyên, đảm bảo thoát nước tốt để phòng bệnh.
Đến đây bạn đã nắm vững cách trồng, chăm sóc, những ứng dụng và ý nghĩa của cây Hồng Môn. Là một loài cây cảnh, cây phong thủy đem lại tài lộc cho chủ nhân đặc biệt là những người mệnh Thổ và mệnh Hỏa. Nếu có thời gian rảnh, bạn hãy thử trồng vài chậu trong nhà để gia đình thêm phần tươi mới nhé! Hy vọng những kiến thức trên hữu ích đối với bạn.
Chúc bạn thành công!