Nhiều vùng ở Việt Nam như ở Lâm Đồng, Gia Lai, Hà Nội, Hải Phòng,… đã trồng măng tây rất đạt. Bạn có muốn cải thiện đời sống bằng cây măng tây không? AVi Việt Nam sẽ hướng dẫn bạn kỹ thuật trồng măng tây cho năng suất cao nhất. Măng tây là một loại rau hoàng đế bởi giá trị dinh dưỡng của nó rất cao. Do có nguồn gốc từ châu Âu nên nhiều người nghĩ nó rất khó trồng. Nhưng thực tế kỹ thuật trồng măng tây không mấy khó khăn. Bằng bài viết này, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn chi tiết từng bước một để bạn có thể tự mình trồng được để cải thiện cuộc sống hoặc đơn giản là trồng vài bụi tại nhà ăn chơi vì nó cực tốt cho sức khỏe.
Thực tế việc trồng măng tây không khó khăn lắm, chỉ cần bạn áp dụng đúng kỹ thuật thì mọi việc thật dễ dàng. Trước hết bạn cần tìm hiểu một số đặc tính sau đây của măng tây:
- Cây măng tây phát triển tốt nhất ở nhiệt độ 25 độ C, có thể xê xích ở mức 15 – 30 độ C. Nhưng hiện nay có nhiều giống măng tây phù hợp với khí hậu Việt Nam (điều kiện nhiệt độ cao hơn) nên bạn cần chọn giống kỹ.
- Măng tây ưa với loại thổ nhưỡng như ở vùng cao nguyên đất đỏ, đất giàu phù sa, đất thịt nhẹ. Ngoài ra đất phải tơi xốp, giàu dinh dưỡng và có độ thoát nước tốt. Đất nhiễm phèn không phù hợp với cây măng tây. Bạn có thể xử lý đất thật kỹ bằng cách cày bừa, dùng vôi khử phèn, phơi ải, làm sạch cỏ dại, xử lý mầm bệnh và san bằng đất.
- Độ ẩm trung bình từ 65 – 70% là phù hợp để trồng măng tây và đảm bảo độ pH từ 6.6 đến 7.0
- Bạn nên gieo hạt vào tháng 8, tháng 9 và trồng vào tháng 2 hoặc tháng 3 năm sau. Hoặc gieo hạt tháng 2 đến tháng 4 và đem trồng từ tháng 4 đến tháng 6.
Chuẩn bị để trồng cây măng tây
Hạt giống
Lựa chọn hạt giống măng tây là khâu quan trọng nhất trong kỹ thuật trồng cây măng tây để cho năng suất cao.
Tùy theo điều kiện sinh thái cũng như nhu cầu thị trường tại nơi canh tác và tiêu thụ măng tây mà bạn chọn giống phù hợp.
Hạt giống được chọn phải thuần chủng, có xuất xứ rõ ràng và bao bì đảm bào.
Mỗi hecta măng tây, cần khoảng tầm nửa kg hạt giống. Tương đương với 22.000 – 25.000 cây.
Làm đất trước khi trồng
Đất trồng măng tây phải bằng phẳng, không quá dốc, độ dốc chấp nhận được là dưới 10%. Bạn nên làm mương thoát nước rộng 1,5-2m và sâu ít nhất 1,5m để thoát nước vào mùa mưa.
Việc lên luống là cần thiết trước khi trồng cây để đất tơi xốp, thoáng khí.
Bạn nên xử lý cỏ và mầm bệnh trong đất trước khi trồng nửa tháng.
Ngoài ra, tùy theo độ màu mỡ của đất mà bạn cần cải tạo đất để măng đạt năng suất. Cụ thể cách cải tạo đất như sau:
- Rải vôi khử trùng, khử chua cho đất. Trộn đều vôi và lớp đất mặt để tăng độ tơi xốp cho đất.
- Dùng phân xanh, phân hữu cơ ủ hoai, phân trùn quế và phân vi sinh để bón lót cung cấp dinh dưỡng cho đất.
- Xẻ rãnh thoát nước rộng 20-40 cm, sâu từ 20 – 60 cm.
- Sau cùng là lên luống và sẵn sàng đợi ngày trồng cây măng tây.
Ươm cây giống
Vỏ hạt măng tây rất cừng nên trước khi gieo bạn phải ngâm ủ kỹ để tỷ lệ nảy mầm đảm bảo. Ngâm hạt giống măng tây trong nước ấm tỷ lệ 2 sôi : 3 lạnh trong 1 ngày đêm. Sau mỗi 4 tiếng, bạn thay nước và chà hạt.
Sau khi ngâm, bạn đem gạt giống ra rửa sạch hạt và ủ trong khăn ẩm. Chú ý cung cấp độ ẩm cho khăn ủ thường xuyên để hạt nhanh nảy mầm. Thời gian nảy mầm khoảng 2 ngày hoặc hơn.
Khi hạt giống măng tây đã nảy mầm, bạn mang hạt đi gieo. Tốt nhất là dùng viên nén xơ dừa để ươm hạt. Hoặc bạn có thể tự trộn đất, phân hữu cơ với xơ dừa hoặc tro trấu theo tỷ lệ 2:1:1. Gieo hạt sâu 2 – 2.5cm rồi phủ lớp đất mỏng lên trên rồi nhẹ nhàng tưới nước giữ ẩm cho bầu ươm.
Hạt giống sau khi ươm cần chăm sóc cẩn thận, tưới nước đầy đủ. Sau 3 đến 6 tháng bạn mới mang cây con đi trồng.
Tiến hành trồng cây măng tây
Cây măng tây giống cây liễu yếu. Cây con đạt chuẩn để đem ra trồng là 25 đến 30cm và xanh tốt, không nhiễm bệnh.
Mỗi cây trồng xuống hố sâu 0.5m. Bạn có thể trồng theo hàng đôi hay hàng đơn.
- Nếu trồng hàng đơn, mật độ 1.800 cây trên mỗi hecta. Mỗi cây cách nhau 40-50cm. Mỗi hàng cách nhau 120 – 150cm.
- Nếu trồng hàng đôi: Mật độ 27.000 cây trên mỗi hecta. Mỗi cây cách nhau 40 – 50cm. Mỗi hàng cách nhau 120 – 150cm.
Sau khi trồng măng tây xuống đất, bạn vun gốc măng bằng đất ở 2 bên liếp đất, vun phủ 1 lớp dày 5cm lên gốc (ở ngay gốc măng cao và nghiêng về 2 bên liếp đất) để bảo vệ bộ rễ và giữ cây măng đứng thẳng đồng thời giúp cây thoát nước tốt.
Kỹ thuật chăm sóc cây măng tây
Tưới nước hàng ngày và bón phân qua rãnh cây. Bạn cũng có thể tưới phun sương 1 giờ tưới 1 giờ nghỉ hoặc tưới nhỏ giọt để giữ ẩm cho đất.
Thay mới những cây hư hỏng, sâu bệnh, không phát triển kịp thời để đạt năng suất cao, tránh lây lan ra những cây khác.
Sau 2 – 3 tháng nếu bụi măng nào già chuyển màu vàng, cho năng suất và chất lượng măng kém, bạn cần dưỡng những cây măng tơ và nhổ bỏ những cây già cỗi. Đây là cách làm trẻ hóa vườn măng.
Bón phân cho măng tây
Măng trồng được 15 ngày tuổi bạn tiến hành bón phân NPK cho cây. Liều lượng: 150kg/Ha và xới xáo, làm cỏ, vun gốc nhẹ cho măng. Cứ mỗi 15 ngày, bạn lại bón phân 1 lần và tăng dần lượng phân bón lên mỗi lần 50kg cho mỗi hecta.
Thu hoạch xong mỗi đợt bạn dưỡng cây bằng cách bón thêm phân. Phân hữu cơ 10- 20tấn/Ha hoặc 1 – 2 tấn phân hữu cơ vi sinh + 300-400kg NPK 16-16-16 kết hợp cắt hạ ngọn để kích thích ra măng lứa mới.
Phòng trừ sâu bệnh cho măng tây
Nếu được trồng trong điều kiện thích hợp về khí hậu, nhiệt độ, độ ẩm cũng như kỹ thuật chăm bón đảm bảo thì măng tây ít gặp phải các vấn đề về sâu bệnh hại. Ngược lại, cây có thể bị mắc các loại sâu bệnh hại sau đây:
- Sâu đất, sâu xanh, các loại côn trùng gây hại. Để phòng tránh bạn cần làm đất kỹ, vun xới và lên luống cao, đảm bảo độ ẩm của đất, làm sạch cỏ và cắt tỉa cành lá già.
- Các loại rầy rệp, bọ trĩ nhiều vào mùa khô nóng. Bạn chỉ cần tưới nước, làm đất thông thoáng cho cây.
- Ngoài ra còn bị các bệnh nấm, virus gây hại khiến măng tây bị thối gốc rễ, cây bị khô héo hoặc phát bệnh sương mai. Trong trường hợp này cần phải sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật như Kasai, Kasumin, Carban, Carbenzim, Daconil, Triscophos, Validan,… Trường hợp cây bị nấm tấn công khiến rễ bị thối, chết gốc thì cần phun thuốc Wofatox hoặc Dipterex 0,1%.
Thu hoạch măng tây
Thu hoạch những búp măng đã nhô lên khỏi mặt đất 25-30cm và chưa nở (nguyên búp măng). Mỗi ngày bạn thu hoạch măng tây vào buổi sáng sớm (trước 8h sáng vào mùa đông và 7h sáng vào mùa hè). Thường là sau khi trồng măng tây khoảng 1 tháng là cho thu hoạch lứa đầu.
Bạn chỉ cần thu hoạch bằng tay, nắm sát gốc cây măng kéo nghiêng 30 độ xoay và giật nhẹ. Có thể dùng kéo cắt chồi măng, sát phần thân ngầm dưới đất nhưng phải chú ý thao tác nhẹ nhàng để hạn chế ảnh hưởng đến các chồi khác.
Lưu ý: Bạn nên thu hoạch măng tơ trong vòng 1 tháng kể cả những cây không đạt chất lượng. Những lứa sau bạn sẽ thu liên tục mỗi ngày trong vòng 3 tháng. Khi đường kính mụt măng <5mm, bạn tiến hành trẻ hóa vườn măng để nâng cao năng suất.
Bạn không nên thu hoạch măng vào mùa mưa. Vì sau khi thu hoạch măng, vết gãy khi bẻ măng cây rất dễ bị bệnh tấn công. Ngoài ra, khi thu hoạch măng không nên tưới phân vì khi tưới phân nước phân dễ tưới vào vết gãy và gây thối dần từ vết gãy xuống bộ rễ.
Trồng măng tây là một trong những hình thức canh tác đem lại thu nhập cao bởi giá thành của măng tây ổn định và thuộc loại cao trên thị trường. Do những giá trị dinh dưỡng của nó nên ngày càng có nhiều người có nhu cầu sử dụng măng tây. Nếu bạn muốn chuyển hướng cây trồng thì đây là một hình thức khả thi. Bạn cũng có thể áp dụng những kỹ thuật trên để tự trồng măng tây tại nhà để gia đình sử dụng nhé!
Chúc bạn luôn thành công trong cuộc sống!