Bạn có phải là người yêu thích dâu tây? Nhưng bạn ngại mua dâu trên thị trường vì lo lắng về độ sạch của chúng? Bạn có muốn tự trồng dâu tây tại ngay tại nhà mình không? Chúng tôi sẽ hướng dẫn để bạn có thể sở hữu một vườn dâu một cách đơn giản nhất. Bạn không cần lo lắng gì cả, chỉ cần đọc kỹ bài viết này và thực hiện theo từng bước từ chọn giống, làm đất, gieo hạt, cách chăm sóc cho đến bước thu hoạch. Thậm chí bài viết còn lưu ý cho bạn cách phòng trừ sâu bệnh cho cây để đạt năng suất cao nhất.
Chuẩn bị trồng dâu tây
Dâu tây có thể được trồng quanh năm nhưng thời điểm thích hợp nhất là tháng 4 và tháng 5 hàng năm. Dâu tây nhỏ nhắn nên bạn có thể trồng ngay tại ban công bé nhỏ của mình. Thậm chí nhà bạn có cửa sổ hướng ánh nắng mặt trời là có thể gắn một chiếc kệ và trồng dâu tây được rồi. Để bắt tay vào trồng dâu tây, bạn cần chuẩn bị hạt hoặc cây giống, đất và chậu cụ thể như sau:
Hạt giống hay cây giống
Bạn có thể đến các cửa hàng hạt giống và vật tư cây trồng để mua hạt hoặc đặt online trên các trang thương mại điện tử. Dâu tây có khá nhiều loại: giống Nhật, Hàn, Úc, Mỹ,… Những loại hạt ngoại nhập này đều ra trái quanh năm. Tuy nhiên, bạn cầ chú ý đến đặc tính mỗi loại để chọn loại hạt giống thích hợp nhất với khí hậu nơi bạn sinh sống và dựa vào những yếu tố sau để lựa chọn:
- Tỷ lệ nảy mầm cao
- Bao bì có còn nguyên hay không? Nếu bao bì rách, hạt sẽ bị ẩm và hư hỏng không nảy mầm.
- Bạn đừng quên lưu ý đến hạn sử dụng.
Ngoài ra bạn có thể chắc chắn hơn bằng cách chọn mua cây giống. Thị trường Việt Nam đang có 2 loại cây giống Nhật hoặc New Zealand. Khi chọn mua bạn nên chọn cây giống đang phát triển xanh tốt, không sâu bệnh và cao tầm 10-15cm.
Chuẩn bị chậu
Bạn có thể chọn trồng dâu tây vào chậu có đường kính 20cm. Tốt nhất là chọn những chậu hay thùng kiểu dài thì cây dâu sẽ phát triển tốt hơn. Nó giống như cách trồng dâu tây theo hàng dọc ở các nhà vườn Đà Lạt.
Đất trồng
Dâu tây ưa đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng. Bạn có thể sử dụng đất thịt và thường xuyên vun xới cho cây. Trồng bằng đất thường thì bạn cần phải bổ sung thêm phân bón và xơ dừa cùng với trấu để đất tơi xốp, thoáng khí hơn và giữ ẩm tốt hơn.
Đất trồng dâu tây phải luôn được giữ ẩm, thoát nước tốt, tránh ngập úng.
Trước khi trồng bạn cần bón lót cho cây với phân chuồng ủ hoai để bổ sung dinh dưỡng cho đất. Sau mỗi vụ thu hoạch bạn hãy nhớ xới đất và bổ sung phân bón hoặc nếu chậu nhỏ thì bạn nên thay đất mới.
Cách trồng và chăm sóc dâu tây tại nhà
Gieo hạt
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ hạt giống, chậu trồng cũng như đã làm đất xong, bạn tiến hành gieo hạt. Các hạt giống được gieo theo luống thẳng với khoảng cách đều nhau. Phủ một lớp đất mỏng và tưới ít nước giữ ẩm cho đất và hạt giống. Dùng rơm khô phủ lên chậu.
Đặt chậu hạt giống ở nơi khô ráo, thoáng mát, có đủ ánh nắng mặt trời.
Mấy ngày sau, hạt nảy mầm và ra lá. Khi cây được 3–4 lá thì bạn có thể tách ra chậu rêng. Đào lỗ sâu sao cho lấp hết bầu rễ, tránh làm vỡ bầu. Khi trồng dâu tây xuống đất, bạn nên đặt cây thẳng đứng và lấp đất kỹ.
Bạn hãy che nắng cho cây trong 2–3 ngày đầu bằng bìa carton để tránh héo cây.
Chọn nơi đặt cây
Đặt chậu trồng cây nơi ban công hoặc cửa sổ. Không nên chọn nơi có ánh sáng trực tiếp quá lâu, chỉ cần ánh nắng mặt trời 1 buổi là tốt nhất. Thời gian chiếu sáng không nên quá 12 tiếng/ ngày hoặc gần ánh đèn vì cây vẫn sẽ xanh tốt nhưng không cho trái.
Chăm sóc dâu tây
Mỗi ngày bạn nên dành thời gian tưới nước cho cây 2 lần vào sáng sớm và chiều tối để luôn đảm bảo độ ẩm cho cây. Thời gian đầu bạn có thể dùng nước vo gạo để tưới. Nguồn nước tưới phải đảm bảo sạch sẽ, không ô nhiễm, không nhiễm mặn, nhiễm phèn… Đây là điểm rất quan trong quyết định việc trồng dâu tây tại nhà của bạn thành công hay thất bại. Không nên tưới quá nhiều nước dễ gây ngập úng cây.
Một kỹ thuật quan trọng bạn cần làm trong thời gian đầu cây mới phát triển là ngắt bỏ chùm hoa đầu tiên để cây tăng cường sinh trưởng và ức chế phát dục sớm. Đến khi cây kết trái, bạn cần chọn lọc loại bỏ những trái xấu xí, dị dạng để phòng trừ lây bệnh.
Trong quá trình phát triển, ngoài hoa, lá cây dâu tây còn mọc những nhánh dâu mới (gọi là ngó dâu). Bạn cần theo dõi và tách chiết khi những nhánh mới này ra rễ tốt để cây phát triển mạnh hơn đồng thời bạn còn có được cây dâu mới. Trong khi tách nhánh, bạn cần thao tác nhẹ nhàng tránh làm ảnh hưởng bộ rễ cây và nhớ che chắn cho cây mới để tránh héo lá.
Bón phân và vun xới và phòng trừ sâu bệnh cho dâu tây
Bạn dùng phân bón mua tại tiệm hạt giống và vật tư cây trồng để bón cho cây. Ngoài ra, phân chuồng ủ hoai kỹ cũng rất tốt cho quá trình sinh trưởng phát triển của cây dâu tây. Khi lá cây bị vàng úa là do cây bị thiếu chất, bạn hãy tưới đủ nước vàbổ sung ngay phân bón cho cây.
Mỗi tuần bạn nên xới đất xung quanh gốc cây một lần để tạo độ tơi xốp và thoáng khí cho cây.
Bạn cần chăm sóc theo dõi cây mỗi ngày để sớm phát hiện và loại bỏ kịp thời những lá hư hỏng, bị sâu bệnh. Khi cây ra hoa kết quả là lúc kiến và sâu bọ bắt đầu để ý đến cây nên bạn phải phát hiện xử lý ngay bằng thuốc diệt cỏ nhưng lưu ý không nên phun thuốc khi trái chin và tuyệt đối không ăn trái sau khi vừa phun thuốc.
Thu hoạch dâu tây
Khi bạn trồng dâu tây tại nhà, hãy luôn nhớ rằng cây dâu đủ độ già mới cho ra trái ngon. Đây là lý do bạn loại bỏ đợt trái đầu tiên để nuôi cây tốt hơn.
Những đợt trái sau, bạn hãy kéo trái ra ngoài để tiện quan sát. Tiến hành thu hoạch khi trái dâu chuyển màu đỏ sẫm và đều màu. Bạn cứ hái lần lượt như vậy, không nên thu hoạch cùng lúc vì trái dâu thường không chin cùng thời điểm.
Đây là tất cả những kiến thức cũng như kỹ năng quan trọng mà một người muốn trồng dâu tây tại nhà như bạn cần biết. Những bụi dâu tây trồng được còn điểm tô thêm cho ngôi nhà bạn xinh xắn và có sức sống hơn. Hãy luôn đồng hành cùng chúng tôi để nắm được nhiều kiến thức nông nghiệp hơn nữa.
Chúc bạn sẽ sớm thu hoạch lứa dâu tây đầu tiên ngay tại ngôi nhà thân yêu của mình!