Kỹ thuật nuôi cá chép năng suất cao

Nghề nuôi cá chép dạo gần đây được xem là một nghề dễ “hái ra tiền” nhất tại các vùng nông nghiệp. Bởi cá chép được xem là một loại cá dễ nuôi, dễ sống, chúng có thể thích nghi trong các điều kiện sống khác nhau. Tuy nhiên, nếu bạn xem đây là một ngành nghề nuôi sống bản thân thì bạn phải nghiên cứu kỹ vấn đề nuôi làm sao để đạt năng suất cao và nhanh thu hồi vốn. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn đầy đủ những thông tin bạn cần.

Cá chép
Cá chép

Cá chép ưa sống thành bầy và thích nghi nhanh với nhiều môi trường nước khác nhau nhưng chúng phát triển mạnh nhất trong môi trường nước rộng và có dòng chảy chầm chậm với nhiều rong rêu hay các loại thực vật mềm khác. Để nuôi cá chép năng suất cao bạn cần chú ý những yếu tố sau:

Chuẩn bị ao nuôi cá chép

  • Ngoài yếu tố cơ bản là ao nuôi cá chép phải to rộng thì bạn cần chuẩn bị ao sạch sẽ, kiểm tra và tu sửa cũng như phát quang và lấp những hốc ven bờ ao, làm sạch cống rãnh. Nếu ao có nhiều bùn phải vét bùn đi, dọn sạch bèo, cỏ, hút hết nước ao ra và san phẳng mặt ao đồng thời diệt tất cả những loài cá tạp cũng như các mầm bệnh trong lòng ao.
  • Chúng ta có thể khử mầm bệnh bằng cách rải 1kg vôi bột cho 10m2 đáy ao. Gấp đôi lượng vôi cần dùng nếu vụ trước ao đã từng nuôi cá hoặc tôm bị bệnh hay ao bị nhiễm phèn hoặc bị chua. Sau đó bạn cần phơi ao 3 ngày.
  • Tiếp đến là dùng phân chuồng và lá xanh bón lót cho mặt đáy ao. Trộn đều theo tỷ lệ 4kg phân chuồng đã hoai mục với 5kg lá xanh băm nhỏ (chọn loại lá thân mềm) cho 10m2 mặt đáy ao. Bừa nhuyễn đáy ao cho phân, lá và bùn trộn lẫn vào nhau.
  • Lượng nước thích hợp để nuôi cá chép là sâu 1m. Trước khi cho nước đủ vào ao, chúng ta cần cho trước khoảng 0,5m và ngâm ao 5-7 ngày. Lúc này nước ao sẽ có màu xanh chuối. Khi cho nước vào ao phải dùng càn lọc nước hoặc dùng lưới để loại bỏ cá dữ hoặc cá tạp tràn vào ao nuôi cá chép.
Ao nuôi cá chép
Ao nuôi cá chép

Chọn và thả cá giống

Chọn cá giống là khâu quan trọng. Cá giống phải được chọn mua ở những trại uy tín, cá lớn đồng đều nhau. Chọn những con cá bơi lội khỏe, không sây sát, mất nhớt, thân cá sáng bóng, màu sắc tươi sáng. Tốt nhất là chọn ở những trại giống đã được cơ quan thú y kiểm định.

Cá mua về phải được tắm khử trùng, ngăn chặn nguy cơ nhiễm bệnh với nước muối nồng độ 3%. Dùng chậu chứa 10lit nước, hòa tan 300g muối ăn rồi dùng vợt vớt cá giống thả vào tắm 15 phút.

Dùng bao nilong có bơm khí oxy để vận chuyển cá về ao nuôi, thả cá lúc trời mát và thả ở đầu gió. Tránh thả ào cá xuống ao mà hãy thả từ từ bằng cách ngâm túi cá giống vào ao 15-20 phút để cá thích nghi với môi trường mới sau đó mới mở miệng túi cho cá bơi nhẹ nhàng ra ngoài.

Mật độ để nuôi cá chép đạt năng suất cao là 3-4 con/m2 ao. Mật độ như vậy mới đảm bảo có không gian cho cá phát triển tốt và lúc thu hoạch mới đạt 0,7-0,8kg/con.

Lưu ý dùng cá để thử nước trước khi thả nuôi đại trà. Thả tầm 10 con cá giống vào rổ rộng và thưa cho xuống ao theo dõi 30 phút. Nếu cá bơi khỏe thì tiếp tục thả, còn không hãy vớt cá lên và xem xét xử lý ao, kiểm tra nguồn nước đưa vào ao có đảm bảo hay không.

Cá chép giống đều nhau, màu tươi sáng
Cá chép giống đều nhau, màu tươi sáng

Kỹ thuật cho cá ăn và chăm sóc cá

Lượng thức ăn sử dụng tùy thuộc vào mật độ cũng như lượng cá trong ao, tránh cho cá ăn quá nhiều hoặc quá ít. Chúng ta có thể bổ sung cho cá những loại tinh bột như: bột cám gạo, bột ngô, bột đậu, bột mì… Ngoài ra, để nuôi cá chép năng suất cao chúng ta còn nên bổ sung thức ăn tươi như cua, ốc, nhái, giun đất hoặc các phế thải từ lò mổ (chỉ cho ăn khoảng 20-30% lượng thức ăn của cá).

Mỗi ngày chúng ta cho cá ăn 2 lần vào buổi sáng và chiều tối. Ngoài những thức ăn trên, thị trường còn những loại thức ăn công nghiệp cho cá cũng rất tốt.

Mỗi tháng cá cần được kiểm tra sinh trưởng và kiểm tra bệnh để giúp phòng bệnh và điều chỉnh lượng thức ăn cũng như môi trường sống phù hợp.

Thu hoạch

Cá chép nuôi đúng kỹ thuật sẽ cho thu hoạch sau khoảng 6-8 tháng. Chúng ta có thể thu hoạch những con đủ tiêu chuẩn thịt trước. Trước khi thu hoạch 1 ngày nên ngừng cho ăn. Phải rút bớt nước trong ao khi thu hoạch cá chép. Mỗi đợt thu hoạch chúng ta cần thống kê sản lượng thu được theo số con và trọng lượng để rút kinh nghiệm nuôi vào đợt sau.

Thu hoạch cá chép
Thu hoạch cá chép

Trên đây là những yếu tố kỹ thuật cần lưu ý để nuôi cá chép đạt năng suất cao. Nắm được những yếu tố trên, chúng ta đã có đầy đủ kiến thức nền tảng để cho ra những lứa cá đạt chuẩn. Hy vọng những thông tin này giúp bạn tự tin hơn trong việc tăng gia nuôi trồng nông nghiệp.

Chúc bạn luôn thành công!

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!



Bài khác cùng chuyên mục Chăn Nuôi

Nuôi thỏ thịt cần chú ý những điểm kỹ thuật gì ?

Nuôi thỏ thịt cần chú ý những điểm kỹ thuật gì ?

Ngày đăng: 28-05-2020

Nếu bạn quan tâm đến nghề nuôi thỏ chắc hẳn bạn đã nghe đến danh chàng thanh niên 24 tuổi ở Quảng Trị bỏ ra 3 triệu nuôi thỏ và sau đó chàng lời được 200 triệu/năm. Cùng tìm hiểu xem cậu đã áp dụng kỹ thuật nuôi thỏ như thế nào để đạt hiệu quả như vậy nhé!

Ẩn