Nhờ mang ý nghĩa phong thủy và có công dụng thanh lọc không khí mà cây trầu bà đã và đang được rất nhiều người ưa chuộng. Chúng được sử dụng nhiều ở các văn phòng làm việc, phòng khách hoặc cổng ngõ hay ban công nhà ở. Vậy bạn đã hiểu rõ về công dụng, ý nghĩa phong thủy cũng như cách trồng loài cây đặc biệt này chưa? AVi Việt Nam sẽ cùng bạn tìm hiểu kỹ hơn về loại cây này nhé!
Đặc điểm và công dụng của cây trầu bà
Đặc điểm
Hẳn bạn từng thấy đâu đó cây trầu bà có một sức sống mãnh liệt đúng không? Có khi nhà hàng xóm bạn đi đâu đó, chúng bị “bỏ rơi” cả tháng trời bên hiên nhà không ai chăm sóc, chúng vẫn mãi một màu xanh tốt và phát triển khỏe mạnh. Bởi đây là đặc tính nổi bậc của những dây trầu. Chúng rất dễ sống mà không cần chăm sóc nhiều.
- Trầu bà có thân mềm, lá hình trái tim và thuộc họ dây leo. Mỗi mắt lá chúng đều có khả năng đâm rễ. Đây là loài cây ưa bóng râm, có thể sống khỏe mạnh trong môi trường đất hoặc thủy sinh.
- Trầu bà có khá nhiều loại, nhiều hình dạng và màu sắc khác nhau như: trầu bà đế vương, trầu bà lá xẻ, trầu bà sữa,… nhưng phổ biến là loại trầu bà xanh và trầu bà vàng.
Công dụng của cây trầu bà
Trước hết phải kể đến công dụng trang trí bởi chúng luôn xanh tốt và tươi tắn. Chúng giúp không gian mát lành hơn, thoải mái và thư giãn hơn.
Tiếp đến là công dụng thanh lọc không khí vì lá trầu bà có khả năng hấp thụ các chất độc như formal dehyd, trichloroethene, toluene, xylene và đặc biệt là benzen làm không khí trong lành hơn.
Ngoài ra, nếu bạn đặt cây trầu bà bên cạnh những thiết bị điện tử như máy tính, sóng wifi, bếp điện từ hay lò vi sóng,.. thì chúng sẽ giúp bạn hấp thụ những bức xạ điện từ, giữ an toàn cho cơ thể bạn.
Khi trồng trong môi trường thủy sinh với một vài em cá bơi lăn tăn thì rễ trầu bà sẽ hút chất Nitrat có trong nước làm sạch nước và cá khỏe mạnh hơn.
Đối với lĩnh vực y học cổ truyền, đây còn là là một trong những thành phần quan trọng trong việc bào chế thuốc bổ thận, tráng dương nữa đấy.
Ý nghĩa phong thủy của cây trầu bà
Theo phong thủy học, cây trầu bà tượng trưng cho sự phát triển thịnh vượng, tài lộc sinh sôi, may mắn, thuận lợi đường con cái, đem lại tài lộc và bình an cho gia chủ
Cây trầu bà hợp mệnh gì?
Với ý nghĩa phong thủy như trên, loài cây này hợp với tất cả mọi người, không hề có một sự kiêng kỵ nào khi trồng trầu bà. Nhưng bạn nên chú ý những chi tiết phù hợp với bản mệnh mỗi người như sau:
- Đối với người mệnh Mộc - Thủy: Người thuộc 2 mệnh này rất vượng phong thủy khi sở hữu loài cây này. Mộc là cây, Thủy là nước. Thủy nuôi dưỡng Mộc là điều tương sinh. Mộc với Mộc là tương hợp.
- Đối với người mệnh Hỏa: Hỏa là lửa, cây củi tạo ra lửa tức Hỏa sinh Mộc là điều rất tốt. Người mệnh Hỏa cực kỳ phù hợp khi trồng cây này.
- Đối với người mệnh Kim - Thổ: Trầu bà lá xanh mệnh Mộc, Mộc hút dinh dưỡng từ Thổ nên người mệnh Thổ nên chọn chậu cây màu cam, đỏ, tím để bổ trợ tương sinh. Mệnh Kim nên chọn chậu cây màu đen, xanh, nâu đất nước biển khi trồng loài cây này.
Ngoài ra, những người tuổi Ngọ và tuổi Thân cuộc đời có nhiều long đong lận đận đặc biệt trong vấn đề tiền bạc. Họ thường làm chăm chỉ nhưng khó có thể rủng rỉnh chi tiêu. Trầu bà lại mang ý nghĩa tiền tài, bình an, lại có khả năng sinh sôi nảy nở mạnh nên chúng sẽ mang ý nghĩa phong thủy tích cực cho hai tuổi này. Nếu bạn thuộc 2 nhóm tuổi này, đặc biệt là tuổi Ngọ thì bạn đừng ngần ngại, hãy trồng ngay một chậu trầu bà nhé!
Người tuổi Ngọ nên đặt một cây trầu bà ngay bàn làm việc hoặc trong văn phòng. Nó sẽ thu hút các nguồn khí tích cực, tăng vượng khí. Tiền tài của bạn sẽ vững vàng hơn. Tuy nhiên, để chúng phát huy tác dụng tốt thì bạn cần chăm sóc đúng kỹ thuật bởi “hình nào khí ấy” – nếu cây phát triển tốt thì gia chủ sẽ được vượng khí, và ngược lại, nếu cây kém phát triển, khô héo thì tài khí cũng giảm theo.
Cách trồng và chăm sóc
Đây là loại cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, chỉ cần bạn hiểu đặc tính của chúng là bạn có thể chăm sóc chúng một cách nhàn tênh! Những điểm cần chú ý như sau:
Cách trồng cây trầu bà
Bạn có thể chọn cách trồng trầu bà trong đất hay thủy sinh vì cách nào chúng cũng phù hợp.
- Nếu trồng dưới đất thì bạn chọn loại đất tơi xốp, thoát nước tốt. Bạn có thể trộn mùn trấu hoặc xỉ than tổ ong để tăng độ tơi xốp cho đất. Cách trồng rất đơn giản: bạn chỉ cần cắt đoạn ngắn tầm 5 – 10cm (có chứa đốt rễ), để khô gốc rồi giâm vào đất ẩm. Đặt chậu ở nơi râm mát. Mỗi ngày bạn tưới phun sương cho cây 1 lần hoặc 2 ngày 1 lần. Cành giâm sẽ phát triển mạnh vào mùa xuân và mùa hè.
- Nếu bạn trồng trầu bà thủy sinh: Bạn chỉ cần cắt cành chứa rễ như cách trên, rửa sạch rễ, sau đó cho vào bình thủy sinh. Lưu ý phải nhúng ngập phần rễ xuống nước để rễ cây lấy dinh dưỡng. Bạn cũng đặt chậu trong mát, cây sẽ ra nhánh mới và rễ phát triển mạnh mẽ. Chậu cây bạn có thể nuôi cá hoặc 1 vài loại sinh vật thủy sinh khác cho sinh động. Mỗi tuần bạn nhớ thay nước 1 lần cho cây nha!
Kỹ thuật chăm sóc
Khi chăm sóc cây trầu bà, bạn chỉ cần lưu ý những điểm sau là chắc chắn bạn sẽ có một chậu trầu bà tươi tốt:
- Bình hay chậu trồng phải đảm bảo có đủ không gian cho cây phát triển, tránh việc để rễ và thân chen chúc nhau.
- Bạn không nên bón phân quá nhiều, có thể dùng phân bón lá hòa tan rồi tưới cho cây vài tháng 1 lần.
- Cây ưa mát nên tránh đặt cây nơi có ánh nắng gắt nhưng bạn cũng đừng đặt chậu cây trong tối, dễ gây vàng và dẫn đến rụng lá.
- Mỗi ngày tưới nước 1 lần cho cây trồng trong đất và mỗi tuần thay nước 1 lần đối với cây thủy sinh.
- Ngoài ra, bạn còn phải thường xuyên để ý tỉa lá vàng, tỉa cành và vệ sinh rễ (đối với trầu bà thủy sinh).
Mặc dù có tác dụng rất tốt cho môi trường cũng như mang ý nghĩa phong thủy tích cực nhưng nếu ăn phải trầu bà thì chất độc Calcium oxalate sẽ gây bỏng rát, buồn nôn và tiêu chảy. Bạn nên tuyệt đối không cho trẻ nhỏ tiếp xúc trực tiếp với lá và thân cây trầu bà.
Trên đây là tất cả những thông tin cơ bản để bạn có thể trồng cây trầu bà và chăm sóc chúng tại nhà. Chúng có nhiều công dụng tốt, ý nghĩa phong thủy tốt lại dễ trồng, không tốn công chăm sóc nên bạn hãy bắt tay vào việc trồng những chậu trầu bà ngay trong nhà, ở ban công hoặc ngay cổng ngõ để cuộc sống thêm sinh động, tích cực hơn nhé!
Chúc bạn có những cây trầu bà thật tươi khỏe!