“Đêm đêm ngửi mùi hương, mùi hoa sứ nhà nàng
Hương nồng hoa tình ái đậm đà đây đó gọi tên
Nhà nàng cách gần bên giàn hoa sứ quanh tường
Nhìn sang trộm nhớ thương thầm mơ ngày mai lứa đôi.”
Đoạn nhạc quen thuộc về mùi hương hoa sứ trong bài ca Hoa sứ nhà nàng của cố nhạc sỹ Hoàng Phương khiến lòng người xao xuyến. Nhiều người cũng yêu hoa sứ nhưng không phải ai cũng biết cách trồng hoa sứ trong chậu, cách tạo dáng cây thật đẹp và cách để nở hoa đúng thời điểm mong muốn. Chính vì vậy, hôm nay AVi Việt Nam sẽ hướng dẫn bạn cách trồng, cách chăm sóc, cách tạo dáng và đặc biệt là điều khiển được cả thời gian nở hoa của loài hoa đáng yêu này.
Vì sao nên trồng hoa sứ trong chậu?
Hoa sứ có thể trồng được ở chậu và ngoài đất. Tuy nhiên, nếu trồng trong chậu thì sẽ tiện chăm sóc hơn. Hơn nữa, cây sứ đẹp ở bộ rễ có khả năng phình to và bạn sẽ tạo dáng cho bộ rễ ấy để nó trở nên đặc sắc. Trồng trong chậu giúp chúng ta dễ dàng di chuyển bộ rễ sang chậu mới để có không gian phát triển. Hơn nữa, với cách trồng hoa sứ trong chậu, chúng ta sẽ dễ tạo dáng vì nó theo dáng chậu chứ không phát triển tự do.
Các bước chuẩn bị trồng hoa sứ như sau:
Đất trồng
Cây hoa sứ không kén đất nên nó có thể thích nghi với bất cứ loại đất nào miễn là tơi xốp, thoát nước tốt và chắc chắn là cần cả độ dinh dưỡng cao.
Chậu trồng
Với cách trồng hoa sứ trong chậu trang trí thì chậu trồng sứ có thể là chậu đất, chậu sứ,.. và có kích thước phù hợp với kích cỡ của cây đặc biệt là có không gian dành cho bộ rễ phát triển.
Chậu trồng cần có lỗ thoát nước để tránh ngập úng cây đồng thời giúp bộ rễ thông thoáng và phát triển mạnh mới cho ra những cây sứ dáng đẹp.
Giống hoa sứ
Hiện nay có 2 cách để nhân giống cây sứ là gieo hạt và giâm cành.
- Phương pháp gieo hạt: bạn nên lựa chọn cơ sở uy tín để mua hạt giống có tỷ lệ nảy mầm cao. Đây là phương pháp làm bạn tốn nhiều thời gian và công sức để chăm sóc. Tuy nhiên, về lâu dài thì nó sẽ cho một bộ rễ đẹp và dễ tạo dáng.
- Phương pháp giâm cành được nhiều người lựa chọn hơn bởi nó không tốn nhiều thời gian cũng như công sức.
Cách trồng hoa sứ
Phương pháp gieo hạt
Bước 1: Ngâm ủ hạt giống.
Trước khi gieo hạt, bạn nên ngâm hạt vào nước ấm tỷ lệ 2 sôi : 3 lạnh trong khảng 2 giờ đồng hồ để kích thích hạt nảy mầm nhanh hơn. Hoặc nếu có thời gian, bạn có thể ngâm trong nước lạnh tầm 4 giờ.
Ngoài ra, những nhà vườn ươm sứ mách bạn nên cho tý thuốc kích thích ra rễ vào nước ngâm để rút ngắn thời gian nảy mầm.
Bước 2: Ươm hạt.
Tùy theo điều kiện, bạn có thể lựa chọn bầu ươm tự làm bằng túi nilong, dùng viên nén xơ dừa hoặc dùng khay ươm. Độ sâu của bầu ươm chỉ cần khoảng 7cm là đủ.
Cho hạt sứ vào bầu ươm (độ sâu tầm 2cm) sau đó phủ lên 1 lớp tro trấu mỏng rồi tưới phun sương nhẹ nhàng để cấp ẩm cho đất.
Đặt bầu ươm ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh tác động xấu của môi trường. Mỗi ngày tưới nước đều đặn 2 lần vào sáng sớm và chiều mát.
Sau khoảng 1 tuần, hạt giống hoa sứ sẽ nảy mầm.
Bước 3: Trồng cây vào chậu.
Sau 2 tháng mới đưa cây con vào chậu nếu thân cây đã chuyển màu nâu xám. Nếu nhìn thân cây còn màu xanh (nghĩa là cây còn non) bạn khoan hãy đem ra chậu nhé!
Phương pháp giâm cành
Bước 1: Chọn cành giâm
Chọn những cành khỏe mạnh, không bị sâu bệnh, không quá già cũng không quá non. Bạn nên chọn cành sứ có da màu xám mốc. Chiều dài cành giâm tầm 30cm, đường kính tầm 2,5 – 3cm.
Bạn nên chọn những cành có ít nhất 2 nhánh để sau này dễ tạo dáng cây, không mất thời gian cắt cành để cây tự ra nhánh mới.
Bước 2: Xử lý cành giâm
Dùng dao thật bén cắt ngang cành, tránh cắt xéo làm xấu bộ rễ sau này.
Lau khô vết cắt, bôi vôi để sát trùng và cầm mủ cho cành giâm. Bôi vôi lên cả vết cắt trên thân cây mẹ để tránh nhiễm trùng vết cắt và sau này cây mẹ sẽ mọc nhiều nhánh con đẹp hơn.
Bạn đừng vội giâm cành vào đất ngay mà hãy bỏ bớt lá già đi (chỉ để lại 4 – 5 lá ở ngọn) rồi treo ngược cành giâm ở nơi khô thoáng tầm 3 – 4 ngày.
Bước 3: Giâm cành
Giâm cành sứ vào chậu đã chuẩn bị. Nên giâm sâu xuống đất 3 – 4cm, cố định cành giâm và cắm cọc để chống đỡ cành. Sau đó tưới nước đều đặn ngày 2 lần vào buổi sáng và chiều mát.
Đặt chậu giâm cành ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng gắt và tránh mưa. Sau 2 – 3 tháng mới cho cây tiếp xúc với nắng nhiều.
Sau khoảng 10 ngày, cành giâm bắt đầu ra rễ. Lúc bạn thấy lá mới xuất hiện là lúc cành giâm đã trở thành một cây sứ con khỏe mạnh.
Với cách trồng hoa sứ bằng phương pháp giâm cành này, hoa sẽ nở sau khoảng 6 tháng.
Kỹ thuật chăm sóc hoa sứ
Tưới nước
Hoa sứ là loài cây ưa nước nên khi tưới bạn nên tưới cho đến khi nào nước chảy ra từ lỗ thoát nước mới ngưng tưới.
Đối với cây sứ con gieo hạt sau 2 tháng, cây đang phát triển mạnh nên lượng nước nó cần khá nhiều. Lúc này bạn nhớ luôn giữ ẩm cho đất.
Nếu cây không đủ nước, bộ rễ sẽ không phát triển nên khó có thể trở thành một cây sứ đẹp.
Bón phân và phòng trừ sâu bệnh
Cách trồng hoa sứ không thể thành công nếu thiếu phân bón. Một cây sứ khỏe mạnh cần được cung cấp đầy đủ đạm, lân và Kali. Do vậy, trong quá trình sinh trưởng phát triển của cây sứ, bạn nên cân đối lượng phân bón như sau:
- Đối với cây con mới nảy mầm hoặc mới giâm cành: Bạn dùng phân NPK 30-10-10 để bón cho cây định kỳ 10 – 15 ngày 1 lần nhằm kích thích cây sinh trưởng phát triển mạnh.
- Giai đoạn cây trưởng thành (6 tháng – 1 năm tuổi): Bạn dùng phân NPK 10-30-10 để kích thích cây đâm cành và phát triển bộ rễ. Cứ 20 ngày bón 1 lần.
- Giai đoạn cây xuất hiện nụ, chuẩn bị trổ hoa: Bạn bón phân NPK 10-10-30 cho cây để sứ nở hoa nhiều, xinh và lâu tàn.
Bón phân cho cây bằng cách hòa tan vào nước rồi tưới nhẹ nhàng vào gốc.
Cây sứ rất dễ bị sâu bệnh tấn công, nhất là giai đoạn cây có nhiều lá non. Bạn cần chú ý chăm sóc bắt sâu thường xuyên và phát hiện sớm những bệnh hại để xử lý kịp thời.
Cách tạo dáng cho chậu hoa sứ
Như đã nói ở trên, cây hoa sứ đẹp một phần nhờ bộ rễ. Cách trồng hoa sứ có chuẩn đến đâu mà bạn quên đi việc tạo dáng cho cây thì bạn cũng không thể có được cây sứ đẹp. Khi thấy bộ rễ phình to là lúc bạn bắt đầu làm đẹp cho chậu sứ được rồi đấy! Việc làm này thường được làm thuần thục bởi những người chơi sứ bonsai chuyên nghiệp. Đối với người không chuyên, AVi sẽ hướng dẫn cách để bạn cũng tự làm được những chậu sứ tuyệt vời.
Một chậu sứ đẹp là chậu sứ hài hòa cân đối giữa rễ, thân và hoa lá. Bạn đừng nên tạo dáng kiểu độc lạ theo các chuyên gia kiểu thác đổ, hay những dáng khó tạo mà làm hỏng cây sứ đang đẹp của bạn nhé! Hãy dựa vào chính cây sứ của bạn mà tạo dáng cho chúng đẹp hơn thôi.
Muốn tạo dáng cho bộ rễ, bạn chỉ cần nâng bộ rễ ra khỏi miệng chậu và tạo dáng theo hình dáng mình mong muốn. Hoặc có cách khác là nâng toàn bộ bộ rễ sứ lên, làm sạch đất bám rồi tiến hành tạo dáng. Sau đó để cho lành sẹo rồi trồng lại vào chậu.
Cụ thể việc tạo dáng được tiến hành như sau:
Bước 1: Vệ sinh
Nhẹ nhàng nhổ cây sứ ra khỏi chậu, dùng que nhỏ khều đất quanh bộ rễ. Bạn phải thao tác thật cẩn thận để không làm tổn thương đến củ và rễ cây sứ. Sau đó dùng vòi xịt nước rửa sạch đất bám.
Bước 2: Cắt tỉa tạo dáng
Dùng dao thật bén (có thể dùng dao lam) để cắt tỉa cành, tạo dáng theo sở thích. Song song đó, bạn nên tỉa bỏ luôn những cọng rễ nhỏ xung quanh củ vì sau khi tỉa, phần củ sẽ được trồng nổi trên mặt đất, không cần những cọng rễ ấy nữa.
Dùng kéo cắt bỏ rễ cám nhỏ xung quanh các chùm rễ để tránh bị ép dập trong quá trình trồng vào chậu làm thối rễ.
Sau khi cắt, cũng giống như ở cách trồng hoa sứ bằng phương pháp giâm cành, bạn cũng dùng nước vôi thoa lên tất cả các vết cắt để hạn chế nhiễm trùng hoặc thối úng.
Bước 3: Làm lành vết cắt
Để cho các vết cắt khô và lành hẳn trước khi trồng lại bằng cách treo cây sứ nơi khô ráo, thoáng mát tầm 5 – 10 ngày. Tuyệt đối không phơi dưới ánh nắng trực tiếp dễ làm cây sứ bị bỏng, hư vết cắt.
Bước 4: Trồng sứ vào chậu
Trồng lại cây sứ vào chậu (nên làm lại đất mới để cung cấp dinh dưỡng đủ cũng như đảm bảo độ tơi xốp, thoáng khí cho cây). Tùy theo kích thước cây mà bạn thay đổi chậu có kích thước lớn hơn để cây tiếp tục phát triển.
Tưới 1 ít nước tạo độ ẩm vừa phải cho đất trước khi trồng.
Sau khi trồng, bạn đặt chậu sứ 15 – 20 ngày ở nơi có ánh nắng buổi sáng tốt để những vết cắt bắt đầu nhú mầm ở chỗ vết cắt.
Thời gian này mỗi ngày bạn chỉ cần tưới nước nhẹ nhàng và vừa đủ nước để ẩm lớp mặt là được. Tuyệt đối không tưới đẫm nước vì dễ làm thối nhũn cây sứ vì lúc này khả năng hút nước của cây kém.
Bước 5: Chăm sóc cây sứ khỏe mạnh
Lúc cây sứ nhú mầm, nghĩa là cây đã trở lại hoạt động bình thường, cách trồng hoa sứ cũng như cách tạo dáng cây của bạn đến đây xem như là đã thành công. Bạn nên đặt cây ở nơi có nhiều ánh nắng cả ngày và tưới nước bình thường như cây khỏe mạnh.
Tuy nhiên, bạn nên để ý bắt sâu vì lúc này cây có nhiều chồi non. Không nên dùng thuốc hóa học vì dễ làm cháy lá non.
Khi cây có chồi lá hoàn chình, bạn bón thúc đợt phân NPK 20-20-20 để chồi lá phát triển mạnh mẽ. Khi chồi non được 10cm, bạn chuyển qua dùng NPK 15-30-15 hoặc NPK 20-30-20 để kích thích ra hoa. Việc bón phân không nên bón quá sớm vì dễ làm cháy rễ non của cây.
Điều khiển việc ra hoa
Để điều khiển thời gian ra hoa của cây sứ, ví dụ bạn muốn hoa sứ nở ngay dịp Tết thì nên căn cứ vào lượng mưa trong năm để cắt bỏ cành đúng thời điểm. Đây được xem là khâu quan trọng trong quá trình học cách trồng hoa sứ, giống như việc ngắt lá mai để nở đúng dịp Tết vậy.
- Nếu lượng mưa trong năm đều, bạn cắt cành vào giữa tháng 7 âm lịch.
- Nếu lượng mưa ít hoặc hạn hán kéo dài thì việc cắt cành nên thực hiện muộn hơn, vào khoảng tháng 8 âm lịch.
Bạn nên kết hợp việc phun phân bón giàu Lân và Kali như phân bón Đầu Trâu 007, 009, 701 hoặc 901.
Biểu hiện của cây sứ đang hình thành nụ là lá chuyển màu từ xanh sáng vàng rồi rụng, ở đầu đọt không phát triển lá non mà xuất hiện những mụn lốm đốm.
Ngoài ra, cây sứ ra cành hoa quá dài sẽ ảnh hưởng đến số lượng hoa. Muốn cây sứ ra hoa nhiều thì bạn phải thực hiện việc cắt tỉa cành hoa ngay khi hoa sứ tàn để kích thích cây đâm nhánh mới và ra nhiều hoa.
Trên đây là những hướng dẫn về cách trồng hoa sứ cũng như cách tạo dáng, cách điều khiển thời điểm ra hoa của hoa sứ dành cho người mới tập trồng. Hy vọng những kiến thức này sẽ giúp bạn trồng và chăm sóc được những chậu sứ thật đẹp. Vườn nhà bạn sẽ sớm phản phất hương hoa sứ thơm dịu, dễ chịu mà có thể nó còn làm xao xuyến lòng người như trong lời bài hát đấy!
Chúc bạn thành công!