Vô tình bạn bắt gặp nét đẹp quyến rũ của vườn lan nhà ai đó hay bạn bị mê hoặc bởi 1 nhành lan đung đưa trước gió ở hiên nhà hàng xóm? Bạn muốn sở hữu những nhành lan tươi tắn, khoe sắc trong không gian sống của mình nhưng ngại chưa biết cách trồng lan đúng không? Bạn không biết bắt đầu từ đâu? Bạn phân vân không biết nên chọn loại lan nào? Nên mua lan lớn hay nhỏ? Mới mua về thì chăm sóc như thế nào? Có thay chậu được ngay hay không? Cách trồng và chăm sóc hoa lan có dễ không? Nếu bạn đang suy nghĩ những vấn đề này thì đây đúng là bài viết dành cho bạn đấy! Cùng đọc kỹ bài viết để tìm câu trả lời nha!
Hoa lan đặc biệt thích hợp với khí hậu nước ta nên hiện nay ở Việt Nam có khá nhiều loại lan như: lan Vũ Nữ, lan Hồ Điệp, lan Ngọc Điểm,… và nhiều loại lan rừng mọc trên các vách đá vẫn nở hoa tươi tốt. Nên bạn không phải lo lắng quá nhiều đâu, chỉ cần bạn hiểu lan và chăm sóc đúng kỹ thuật thì chẳng bao lâu bạn sẽ có một vườn lan rực rỡ. Đối với người mới bắt đầu bạn cần chú ý những điều sau:
Người mới bắt đầu trồng lan thì nên chọn loại lan nào?
Nếu như bạn mới bước vào thế giới của những người chơi lan thì bạn nên lựa chọn những loại lan dễ trồng để việc chăm sóc không đòi hỏi kỹ thuật cao. Nếu như đã trồng được một vài loại lan đơn giản rồi, bạn sẽ có hứng thú cũng như kinh nghiệm để thử những loại kén người trồng hơn.
Những loại lan dễ trồng được các chuyên gia đề xuất cho người mới học cách trồng lan là: lan Vũ Nữ, Dendro, Ngọc Điểm, lan Kiều, Quế Hương,… Tất cả các loại này đều có ưu điểm dễ trồng, cách chăm sóc đơn giản, hoa lại rất đẹp và giá cả phải chăng. Chúng sẽ làm bạn với bạn rất lâu.
Đặc tính cần biết khi trồng lan
Lan sẽ phát triển mạnh mẽ ở nhiệt độ từ 22 – 270C và ưa ánh sáng nhưng không chiu được nắng gắt nên bạn cần tìm nơi đặt chậu hay giỏ lan hợp lý. Thời điểm tốt nhất để bạn bắt đầu trồng hoa lan là tháng 3, tháng 4 dương lịch.
Môi trường sống của lan không cần đất mà chỉ cần than gỗ, xơ dừa. Than gỗ bạn chặt khúc với kích thước dưới 3cm, ngâm rửa thật sạch rồi phơi khô. Xơ dừa bạn cần xé nhỏ rồi ngâm khoảng 1 tuần cho bớt hàm lượng tannin và chất mặn rồi mới sử dụng. Nếu dùng thêm vỏ dừa thì bạn nên chặt khúc bằng với than gỗ rồi ngâm nước vôi 5% để diệt nấm gây bệnh.
Chậu trồng lan phải thông thoáng. Bạn có thể mua chậu bán sẵn trên thị trường. Chúng thường được đục rất nhiều lỗ để thoáng khí và thoát nước tốt.
Nên chọn lan kích thước bao nhiêu?
Bạn đừng suy nghĩ rằng mua cây nhỏ để dễ chăm sóc nhé! Khi bắt đầu học cách trồng lan bạn nên chọn những chậu lan rẻ tiền để lỡ không thành công thì bạn rút kinh nghiệm cho việc trồng tiếp những cây mới mà không tốn kém.
Bạn nên chọn những cây lan thân to, khỏe, lá xanh tốt để chúng có sức chịu đựng với sự thay đổi môi trường. Một ưu điểm của việc chọn cây to khỏe là chúng sẽ nhanh ra hoa, tạo hứng thú cho bạn tiếp tục chăm sóc. Điều này không thể xảy ra khi bạn chăm sóc những cây nhỏ. Thời gian chờ đợi chúng ra hoa sẽ gây nản lòng cho bạn.
Cách trồng hoa lan
Xử lý lan trước khi trồng
Đối với những cây lan rừng mới đem về, bạn phải xử lý để tránh việc thối nhún, cháy rễ hay nấm bệnh. Việc xử lý lan trước khi ghé giò được tiến hành như sau:
- Chọn nơi khô thoáng, tránh ánh nắng hoặc nước mưa trực tiếp, phơi lan trong 2 – 3 tiếng để quen với nhiệt độ môi trường mới. Nếu bạn mua lan và vận chuyển bằng hộp kín thì nên phơi 1 đến 2 ngày.
- Dùng kéo thật sắc để cắt bỏ hết rễ bị thối hỏng. Đây là nơi chứa mầm bệnh. Sau đó bạn bôi sơn móng tay hoặc dùng vôi bôi lên vết cắt để sát khuẩn.
- Sau khi cắt rễ thối, bạn ngâm lan trong nước Physan 20sl để diệt khuẩn (chỉ cần ngâm 10 phút). Sau đó treo ngược cho đến khi lan ráo nước. Không treo xuôi làm nước đọng quá lâu tạo môi trường cho nấm và vi khuẩn phát triển.
- Sau cùng là bước kích rễ cho lan. Bạn mua thuốc kích rễ, pha với nước (tùy loại thuốc mà liều lượng khác nhau). Ngâm cả thân và gốc lan trong 3 tiếng rồi vớt ra. Tiếp tục treo ngược nơi thoáng gió, tránh nắng mưa trực tiếp. Mỗi ngày bạn tưới phun sương 2 lần sáng và tối. 3 ngày bạn pha thuốc kích rễ phun thêm cho cây. Tầm 7 ngày là bạn thấy gốc lan nhú rễ. Vẫn duy trì tưới nước và thuốc cho đến khi rễ được 2cm thì bắt đầu ghép giò lan được rồi đấy.
Cách trồng lan vào chậu (ghép giò lan)
Sau khi đã kích rễ và chuẩn bị sẵn xơ dừa và than gỗ, bạn tiến hành trồng lan theo các bước:
- Cho than và xơ dừa vào 1/5 chậu (kích thước lớn bên dưỡi, nhỏ bên trên).
- Nhẹ nhàng xếp các nhành lan vào chậu rồi cho tiếp than và xơ dừa lên trên. Cố định các nhành lan để tránh xiêu vẹo bởi gió.
- Để nơi thoáng mát, tránh ánh nắng cho cây quen môi trường vài ngày mới đưa ra nơi có ánh sáng tốt hơn.
Kỹ thuật chăm sóc lan như thế nào?
Việc chăm sóc hoa lan như thế nào quyết định cách trồng lan của bạn thành công hay không. Trong quá trình chăm sóc, ngoài yếu tố ánh sáng, nhiệt độ như đã nói ở trên thì bạn cần chú ý nước tưới, cắt tỉa cũng như bón phân cho lan phát triển.
Tưới nước
Lan cần nước để sinh trưởng và phát triển nhưng khi trồng lan bạn không nên tưới nước quá nhiều. Mỗi tuần bạn chỉ tưới 1 – 2 lần vói lượng nước vừa phải. Xơ dừa sẽ giúp giữ ẩm cho lan.
Cắt tỉa
Bạn nên thực hiện việc cắt tỉa khi hoa bắt đầu có dấu hiệu tàn. Việc này giúp tập trung dinh dưỡng nuôi cây.
Phân bón cho lan
Việc cung cấp phân bón giúp cung cấp dinh dưỡng cho lan. Bạn tưới phân hóa học NPK 20 – 20 – 20, kết hợp các loại phân hữu cơ khác như phân cá.
Khoảng 3 – 4 tháng sau khi trồng lan, lá đã tươi tốt và khỏe mạnh trở lại thì tiến hành bón phân cho cây tiếp tục ra hoa. Có thể dùng phân bón NPK tỉ lệ 6 – 30 – 30 hoặc 10 – 52 – 17 cho đến khi chậu lan nở hoa. Khi xuất hiện cành hoa mới thì lại trở về chế độ phân NPK 20 – 20 – 20 hoặc xen kẽ chế độ 10 – 30 – 30.
Phòng trừ sâu bệnh
Lan có sức sống mãnh liệt nhưng thỉnh thoảng vẫn vị nấm và vi khuẩn gây bệnh. Bạn cần xịt thuốc phòng bệnh cho lan. Đối với bệnh do nấm thì có thể dùng thuốc Benomeyl, Captan, Aliette….
Bệnh do vi khuẩn thì xịt các loại thuốc Kasimin, Physan 20, Nacossan… Trường hợp bị nhện tấn công thì dùng Kelthane; côn trùng hay rệp thì dùng Supracide, Mipcin… Bạn cũng nên dùng thuốc Methaldehyde cho lan khi có ốc sên gây hại.
Để chăm sóc lan 1 cách tốt nhất, bạn nên định kỳ xịt thuốc cho cây 7 – 10 ngày/ lần vào mùa mưa và 15 – 20 ngày/ lần vào mùa nắng để hạn chế tối đa nguy cơ cây bị bệnh.
Cách nhân giống lan
Sau khi đã biết rõ cách trồng lan, nếu bạn muốn nhân giống lan thì chúng ta có 2 cách: giao phấn hoặc chiết tách cây con:
Giao phấn:
Việc giao phấn trong tự nhiên là một hiện tượng thông thường đối với đa phần các loại lan. Chính vì điều này mà hoa lan có sự phong phú về chủng loại như thế. Giao phấn thường tạo ra những giống mới. Nếu được giao phấn chọn lọc, những cây con sẽ có đặc tính hơn hẳn cây bố mẹ.
Chiết tách cây con:
Đây là phương pháp giúp tách cành làm tăng số lượng cây mới. Khi tách, chỉ tách những nhành lan già khi hoa tàn và đã được 2 – 3 năm tuổi.
Sau khi tách, ươm trên chậu mới giữ ẩm tốt để tạo chồi con. Các chồi con này được nuôi cùng với nhành cũ cho đến khi mọc rễ mới, đủ sức phát triển ổn định mới tiến hành tách lần 2.
Với một nhành già có thể cho 1 – 2 cây con/ đợt.
Đối với phương pháp chiết tách này, tuy nó sẽ đảm bảo được tính di truyền của cây bố mẹ song thế hệ cây con lại sinh trưởng không đồng đều. Nếu bạn cần trồng quy mô lớn thì không nên áp dụng phương pháp này.
Trên đây là những kiến thức về cách trồng lan mà người mới bắt đầu cần trang bị. Nắm vững những thông tin này, chắc chắn bạn sẽ trồng và chăm sóc hoa lan một cách thuần thục. Hãy trồng vài giỏ lan để điểm tô thêm không gian sống của bạn nhé! Chúc bạn và gia đình có những phút giây thư giãn bên vườn lan nhà trồng nha!